Tại vì sao nhà nước, doanh nghiệp cần phải BẮT BUỘC chuyển đổi số
Internet of Thing

Tại vì sao nhà nước, doanh nghiệp cần phải BẮT BUỘC chuyển đổi số

Bùng nổ công nghệ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt trong đời sống xã hội và sản xuất với kỳ vọng mang lại hiệu quả bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Điều này làm thay đổi phương thức quản lý, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống và là một trong những lý do vì sao phải chuyển đổi số.

1. Tại sao chuyển đổi số là xu thế bắt buộc

Chuyển đổi số (Digital transformation) không còn là nhu cầu mà hiện tại là điều bắt buộc không chỉ đối với doanh nghiệp, nhà nước mà chính mỗi cá nhân chúng ta. Đơn giản, toàn bộ xã hội loài người đang phát triển và tiến tới cách mạng 4.0, để đảm bảo chúng ta không thụt lùi, thậm chí là cơ hội để chúng ta bớt phá so với doanh nghiệp khác.

1.1. Cách mạng 4.0 càng phát triển và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ

Cách mạng 4.0 với tiền đề là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, kết hợp với các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học nhằm tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới. Sự thay đổi mang lại tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của toàn thế giới. Đặc trưng chính của Cách mạng 4.0 bao gồm:

  • Sự kết hợp công nghệ cảm biến, Big Data, Cloud và IoT.
  • Sự phát triển tối ưu của công nghệ in 3D, công nghệ nano và vật liệu mới và AI (trí tuệ nhân tạo).
  • Phương thức thanh toán điện tử blockchain mới.

Các hoạt động trên giúp đẩy mạnh phát triển tự động hóa, nhà máy thông minh. Quá trình sản xuất, kinh doanh được bỏ qua các khâu trung gian tốn chi phí và cho phép con người kiểm soát hệ thống tại bất cứ đâu với mức độ chính xác cao hơn, không bị giới hạn về không gian, thời gian.

Tìm hiểu thêm: Chuyển đổi số kinh tế số: Xu thế tất yếu của doanh nghiệp thời 4.0

1.2. Đại dịch Covid thúc đẩy doanh nghiệp phải biến đổi

Cách mạng 4.0 đã xuất hiện thời kỳ trước đó, đã có các gian hàng thương mại điện tử, có các công nghệ chữ ký số, số hóa dữ liệu .v.v.v nhưng do đại dịch Covid quá trình này đã được đẩy mạnh gấp nhiều lần. Nói không ngoa, nhờ có Covid mà người tiêu dùng sử dụng các nền tảng công nghệ số nhiều hơn, đặt hàng online nhiều hơn, sử dụng các dịch vụ trực tuyến nhiều hơn…

Hành vi người dùng đang dần thay đổi và dần trở thành một thói quen cho dù đại dịch Covid đã đi qua. Người dùng thay đổi thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải thay đổi theo. Đấy chí là lý do giải thích tại sao phải chuyển đổi số là xu thế bắt buộc, không loại trừ cho bất kỳ doanh nghiệp nào: Cá nhân thay đổi làm doanh nghiệp phải thay đổi và nhà nước cũng cần biến đổi để hỗ trợ mội trường tốt nhất cho doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

2. Vì sao nhà nước phải chuyển đổi số ?

Sau mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, thứ hạng tổng GDP của các nước biến đổi rõ rệt. Lịch sử cho thấy rằng, nhiều nước tận dụng tốt các cuộc cách mạng để bứt phá tổng GDP, nhưng cũng nhiều nước đã không theo kịp xu thế và bị tụt lại: Sau cuộc cách mạng lần thứ 3 (Cách mạng kỹ thuật số diễn ra năm 1970 – Sự ra đời và phổ biến của máy tính, thiết bị điện tử và internet) đã giúp cho Hàn Quốc, Singapore…. trỗi dậy mãnh liệt.

Kết quả nghiên cứu của McKensey cho thấy vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Vậy nên, chuyển đổi số mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam vươn lên, gia tăng GDP vượt bậc. Đây là cơ hội cũng như thách thức chưa từng có đối với nước ta.

Để đạt được điều này, nhà nước cần phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số:

  • Xây dựng chính phủ số: Giúp nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, tránh lãng phí. Đối với các hệ thống quản lý công, việc chuyển đổi số về cơ bản là việc áp dụng công nghệ nhằm tạo ra hệ thống quản lý dữ liệu số, làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước một cách hiệu quả hơn. Xây dựng và phát triển Chính phủ số cũng giúp cho Chính phủ hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn, giảm bớt tham nhũng.
  • Nền kinh tế số: Nhà nước nỗ lực tạo ra một môi trường kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là giao dịch điện tử (Gồm “thương mại điện tử”, “hạ tầng kinh doanh số” và “doanh nghiệp số”). Điều này, giúp đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp, tăng năng suất của người lao động. Từ đó tăng khả năng cạnh tranh trong nước cũng như toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.
  • Xã hội số: Giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn và gia tăng chất lượng cuộc sống. Các trải nghiệm về dịch vụ công của người dân cũng được cải thiện, rút ngắn thời gian, giúp tiết kiệm thời gian cũng như công sức và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.

Trên đây là những lý do giải thích tại sao mà nhà nước Việt Nam hiện tại đang nỗ lực hết mình để truyền thông và triển khai chuyển đổi số. Tuy nhiên, để nhà nước chuyển đổi số thành công thì doanh nghiệp phải được đặt ở vị trí trung tâm.

3. Tại sao doanh nghiệp phải chuyển đổi số?

Báo cáo của Gartner, IDC… đều chỉ ra rằng chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt của doanh nghiệp: từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh… Sau đây có thể kể đến 10 lý do vì sao phải chuyển đổi số ở doanh nghiệp :

  1. Tiết kiệm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp
  2. Quản lý thông tin và khai thác tài nguyên tốt hơn
  3. Nâng cao trải nghiệm khách hàng
  4. Tối ưu hóa hoạt động tác nghiệp trong và ngoài phòng ban
  5. Mang lại sự linh hoạt của doanh nghiệp
  6. Tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị doanh nghiệp
  7. Cải thiện năng suất của nhân viên và toàn bộ công ty
  8. Tăng cơ hội, nâng cao khả năng cạnh tranh
  9. Tăng lợi nhuận (Chuyển đổi số dẫn tới lợi nhuận tốt hơn)
  10. Góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt hơn

3.1. Chuyển đổi số là con đường để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn

Như đã phân tích ở trên, sau thời đại hậu Covid thì hành vi người dùng đã thay đổi, mua sắm dựa trên “môi trường số” nhiều hơn. Và chuyển đổi số ở đây không chỉ dừng lại như một xu hướng cần phải chạy theo mà còn là một trong những bước đi bắt buộc không thể bỏ qua. Các doanh nghiệp thờ ơ đứng ngoài cuộc đua chuyển đổi số sẽ phải đối mặt với các khó khăn và thách thức trong tương lai, thậm chí có thể dẫn tới sự thất bại.

Lấy ví dụ: Nokia hay Kodak là các bài học thất bại to lớn, cho thấy người khổng lồ cũng phải gục ngã khi không chịu thay đổi và chuyển mình.

  • Vốn là ông lớn trong lĩnh vực kinh doanh của mình, Kodak với sự cứng ngắc trong chiến lược, lo sợ phát minh mới về máy ảnh kỹ thuật số sẽ khiến cho doanh số của phim và thuốc rửa phim giảm sút nên phớt lờ sự thay đổi, và nhận lấy kết quả phá sản vào năm 2012.
  • Cũng tương tự, thất bại của Nokia dẫn đến việc dần chìm vào lãng quên và bán mình cho Microsoft là do việc không quan tâm tới nhóm khách hàng tương lai. Trong khi Apple cùng với hệ điều hành iOS hứa hẹn mang lại các trải nghiệm hoàn toàn mới thay đổi hoàn toàn hành vi sử dụng của người dùng với thiết bị di động, Nokia vẫn cố bám trụ với hệ điều hành Symbian già cỗi lạc hậu và không kịp thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Thất bại của Nokia khi không chuyển đổi số

3.2. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ của mình.

Đây là lợi ích và tại sao doanh nghiệp cần chuyển đổi số mạnh mẽ. Thời gian trước đây, trong thế giới phẳng thì lợi thế cạnh tranh không còn quá khác biệt và chính điều đó làm cho sự cạnh tranh ngày càng thiên về giá. Nhưng với chuyển đổi số, lợi thế cạnh tranh một lần nữa lại rõ ràng hơn và doanh nghiệp tận dụng tốt sẽ có cơ hội bứt phá thêm 1 lần nữa:

  • Giúp ban lãnh đạo đưa ra quyết định chính xác và nhanh chóng: Có thể nói, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp có được các báo cáo dữ liệu quan trọng: Dữ liệu về sản xuất, dữ liệu về kinh doanh, dữ liệu về khách hàng, dữ liệu kế toán.v.v.v. Đây là tiền đề giúp cho ban lãnh đạo và các nhà quản lý đưa ra các quyết định chính xác hơn và nhanh chóng hơn.
  • Nâng cao khả năng cạnh tranh: IDC ước tính rằng: chi tiêu toàn cầu cho chuyển đổi số sẽ đạt 1,8 nghìn tỷ đô la vào năm 2022, tăng 17,6% so với năm 2021. Điều này đã cho thấy chuyển đổi số là xu thế bắt buộc cho tất các lĩnh vực kinh doanh và đời sống xã hội trong những năm gần đây. Vì thế, doanh nghiệp chuyển đổi số càng sớm sẽ duy trì và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường đang thay đổi liên tục hàng giờ. Theo HBR, 84% các giám đốc điều hành cho biết các cơ hội kinh doanh mới xuất hiện khi doanh nghiệp của họ thực hiện việc chuyển đổi số.
  • Tối ưu quá trình vận hành doanh nghiệp: Cùng với đó, chuyển đổi số giúp tối ưu vận hành, cải thiện và nâng cao năng suất lao động. Ứng dụng kỹ thuật số hỗ trợ đưa ra các dự báo chính xác về hiệu năng hoạt động của máy móc, giảm bớt chi phí, thời gian bảo trì và quản lý tài sản và tăng độ chính xác của thành phẩm nhờ lược bỏ bớt các khâu sản xuất thủ công. Chưa kể đến, các phần mềm hỗ trợ bán hàng, quản trị khách hàng cũng, phần mềm kế toán… cũng hỗ trợ rất nhiều trong quá trình vận hành của doanh nghiệp.
  • Nâng cao trải nghiệm khách hàng: Đối với marketing, việc thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng cũng giúp hỗ trợ cho khâu phát triển sản phẩm. Trong đó, việc tìm hiểu nhu cầu của người dùng trở nên dễ dàng hơn, các sản phẩm và dịch vụ ra đời, nâng cao trải nghiệm ngày càng sát với mong đợi của khách hàng.

3.3. Tạo ra mô hình kinh doanh mới, chiếm lĩnh thị trường đại dương xanh

Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là thông qua chuyển đổi số, rất nhiều mô hình kinh doanh mới đã ra đời. Các mô hình kinh doanh trên các nền tảng số giúp doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng hiệu quả kinh doanh.

Lấy ví dụ:

Uber là một ví dụ về mô hình kinh doanh taxi kiểu mới. So với mô hình truyền thống, thay vì quản lý trực tiếp các xe taxi, Uber đã ra đời với việc đáp ứng nhu cầu kết nối người đi nhờ xe với các xe còn trống. Sự ra đời của Uber còn đến các trải nghiệm hoàn toàn mới cho người dùng, nắm bắt và quản lý được thông tin người lái xe, lộ trình, và chia sẻ các thông tin nhằm tăng tính an toàn trong quá trình sử dụng dịch vụ của mình.

Tìm hiểu thêm: Vai trò của chuyển đổi số trong doanh nghiệp?

Nghiên cứu từ Forbes cho thấy 70% doanh nghiệp gặp thất bại hoặc khó khăn khi thực thi chương trình chuyển đổi số. Đặc biệt với các doanh nghiệp quy mô lớn, lâu đời, việc thực thi các chiến lược chuyển đổi này một cách toàn diện và hiệu quả lại càng có nhiều trở ngại. Vậy nên để vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp cần chú ý đến 12 nguyên nhân chuyển đổi số thất bại, từ đó xây dựng chương trình chuyển đổi số thành công, tạo giá trị mới, lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong chặng đường sắp tới.

4. Cá nhân tại sao cũng phải sẵn sàng chuyển đổi số

Việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia hay đối với doanh nghiệp đều được thực hiện với mục tiêu cốt lõi nhằm tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho người dân, và với môi trường làm việc chất lượng. Vậy cá nhân vì sao phải chuyển đổi số ?

Trên thực tế, người triển khai chính của chuyển đổi số cũng chính là cá nhân mỗi thành viên trong doanh nghiệp và cũng là mỗi người dân trong nước. Mỗi cá nhân có nhận thức đúng đắn về chuyển đổi số, được trang bị đầy đủ kỹ năng về công nghệ … thì chuyển đổi số mới đạt hiệu quả cao.

Sau đây là 3 lý do chính giải thích vì sao cá nhân phải tích cực tham gia chuyển đổi số.

4.1. Cơ hội tăng mức thu nhập tốt hơn

Với chuyển đổi số, năng suất của từng cá nhân sẽ tăng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tổng thể đất nước sẽ tăng, và chính điều này sẽ giúp mỗi cá nhân có mức thu nhập tốt hơn.

Thực tế, nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã thí điểm công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc canh tác từ khâu làm đất đến việc bón phân, bơm tưới và thu hoạch đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh. Ngoài ra, hệ thống tưới tiêu và giám sát đều được thực hiện qua điện thoại. Những ứng dụng này giúp giảm một nửa chi phí sản xuất và công sức lao động, giảm 50% lượng khí thải nhà kính, tăng năng suất 30%, từ đó giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Lực lượng lao động của tương lai sẽ đa dạng hơn bao giờ hết, trở thành nhân sự số trong kỷ nguyên mới. 75% nhân viên đó sẽ là thế hệ millennials, những người đa dạng về sắc tộc hơn bất kỳ nhóm nào mà chúng ta từng thấy trong lực lượng lao động.

4.2. Cơ hội có được các phúc lợi xã hội tốt hơn

Chuyển đổi số quốc gia sẽ được ứng dụng vào toàn bộ các ngành như, giáo dục, y tế, hành chính công. Ví dụ, với nền tảng số lưu giữ thông tin khám chữa bệnh, tại bất cứ bệnh viện nào, các thông tin lưu ý về chỉ số sức khoẻ, về lịch sử khám chữa bệnh được hiển thị sẽ giúp cho các bác sĩ nhanh chóng nắm bắt được tình hình bệnh nhân, từ đó nhanh chóng kịp thời khám chữa bệnh.

Tương tự như vậy, ứng dụng chuyển đổi số giúp người dân có thể thực hiện khai báo hoặc làm các thủ tục hành chính giấy tờ trên các nền tảng số tại bất cứ đâu. Người dân không cần xếp hàng tốn nhiều ngày tra cứu dữ liệu và có được ngay các thông tin cần thiết.

ứng dụng chuyển đổi số

4.3. Có cơ hội trải nghiệm dịch vụ của doanh nghiệp tốt hơn

Vì sao cần chuyển đổi số? Việc ứng dụng chuyển đổi số cung cấp các thông tin minh bạch, về nguồn gốc hay chất lượng sản phẩm tới người tiêu dùng, phát triển các hệ thống mua bán hàng và giao nhận giúp cho việc mua sắm trở nên thuận tiện và dễ dàng.

Tuy vậy, việc thực hiện chuyển đổi số đối quốc gia hay đối với doanh nghiệp có thể thực hiện thành công hay không chủ yếu phải dựa trên yếu tố con người, hay chính xác hơn là mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của con người.

Để có thể kịp thời thích ứng với cuộc sống số, người dân cần trang bị cho mình các kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng tham tha vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, cũng như chuyển đổi số doanh nghiệp trong tương lai gần tới đây.

Từ những phân tích trên cho thấy: Chuyển đổi số là một sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện, từ chính phủ, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng cá nhân và trong mọi lĩnh vực.

Kết lại, để nói về lý do vì sao phải chuyển đổi số thì có thể nói đây là một xu thế không thể đảo ngược, có khả năng ảnh hưởng sâu rộng và làm biến đổi nhiều mặt kinh tế xã hội. Chính vì vậy các chủ thể chính trong các hoạt động kinh tế xã hội bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần có nhận thức đầy đủ, được đào tạo để sẵn sàng tiếp nhận những thay đổi mà xu hướng chuyển đổi số mang lại

Nghiên cứu nổi bật
01. Dự án “Công nghệ bán lẻ“ chạm ”tới thế hệ mới” 02. Tòa nhà thông minh – Xu hướng phát triển của thị trường bất động sản 03. Chiến lược dữ liệu định hình tương lai ngân hàng bán lẻ 04. 06 xu hướng chuyển đổi số ngân hàng năm 2022
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận