Thay đổi tương lai của doanh nghiệp với sản phẩm kết nối
Digital Strategy

Thay đổi tương lai của doanh nghiệp với sản phẩm kết nối

Sử dụng các sản phẩm kết nối và hệ thống sản phẩm – dịch vụ trong doanh nghiệp sản xuất mang lại những giá trị mới cho khách hàng, đồng thời, mở ra thêm các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng những nhu cầu thay đổi nhanh chóng từ thị trường.

Sự trỗi dậy của các công nghệ tiên tiến như IoT, Trí tuệ nhân tạo, Cloud đã thay đổi cách thức kết nối và vận hành trong hàng loạt lĩnh vực của ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, ô tô và năng lượng. Các sản phẩm vận hành độc lập dần được thay thế bằng những sản phẩm có khả năng thiết lập kết nối một cách linh hoạt. Kỷ nguyên mới của những sản phẩm kết nối thông minh – hay rộng hơn nữa, một hệ sinh thái vạn vật kết nối đang tiến đến gần chúng ta hơn bao giờ hết.

Sản phẩm kết nối là gì?

Sản phẩm kết nối – được tạo ra từ sự kết hợp giữa hai yếu tố kỹ thuật và điện tử, trong đó những yếu tố kỹ thuật hình thành nên những đặc tính vật lý cốt lõi của sản phẩm, yếu tố điện tử giúp kết nối và nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm dựa trên việc phân tích những thuộc tính của đối tượng.

Để thực hiện thu thập thông tin, kết nối và phân tích, các sản phẩm này sử dụng các bộ vi xử lý, cảm biến, phần mềm và điện toán đám mây để trao đổi giữa bản thể với môi trường, với nhà sản xuất/vận hành, với các sản phẩm và hệ thống khác, và đặc biệt là với người sử dụng.

Với việc sử dụng các sản phẩm kết nối và hệ thống sản phẩm – dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng sẽ đem đến nhiều lợi ích cho khách hàng thông qua:

  • Tăng cường chức năng của hệ thống sản phẩm dịch vụ nhanh chóng, liên tục chỉ bằng cách cập nhật phần mềm.
  • Cải thiện quá trình sửa lỗi, bảo trì dựa trên những dự đoán về những hỏng hóc có thể xảy ra trong tương lai hoặc khả năng bảo trì từ xa.
  • Tối ưu vòng đời sản phẩm từ những dữ liệu thu thập được nhằm phát triển các dòng sản phẩm mới tiến bộ hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.
  • Tăng cường và cá nhân hóa trải nghiệm cho khách hàng bằng cách cung cấp thông tin và có khuyến nghị sử dụng từng loại sản phẩm cho từng khách hàng riêng biệt.

Làn sóng xây dựng lợi thế cạnh tranh ứng dụng những tiềm năng từ công nghệ lần thứ nhất đã bắt đầu và diễn ra vào những năm 1960-1970, góp phần tự động hóa từng phần riêng rẽ trong hoạt động của doanh nghiệp. Làn sóng lần thứ hai diễn ra vào những năm 1980-1990 đã giúp kết nối hoạt động của doanh nghiệp với các đối tượng bên ngoài như các nhà cung cấp, kênh bán hàng, nhờ sự trợ giúp của Internet.

Giờ đây chúng ta đang bước vào làn sóng thứ ba, sự bùng nổ của các sản phẩm kết nối đã góp phần tạo nên một hệ thống sản phẩm – dịch vụ (Product Service System – gọi tắt là PSS), trong đó các sản phẩm thuộc hệ thống có thể được điều khiển thông qua một trung tâm kiểm soát – gọi tắt là các Control hub (Ví dụ: Amazon Echo giúp người sử dụng điều khiển các đồ điện trong ngôi nhà của mình thông qua giọng nói).

Hình 1: Mô tả các đặc điểm chuyển đổi và hình thành hệ thống sản phẩm – dịch vụ

Các mô hình PSS đã mở ra khả năng kết hợp tiêu thụ cả sản phẩm lẫn dịch vụ, thay vì chỉ tập trung vào chính bản thân sản phẩm. Trong đó, PSS bao gồm sản phẩm, dịch vụ, hạ tầng hỗ trợ và các mạng lưới kết nối nhằm cung cấp các giá trị vượt trội hơn cho người sử dụng. Thậm chí hiện nay, PSS đã được coi như chiến lược của những công ty sản xuất và công nghệ hàng đầu.

Để xác định hướng đi cho mô hình phát triển sản phẩm dưới dạng PSS, thông thường, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận theo 2 hướng đi: Nền tảng Đóng và Nền tảng Mở. Việc lựa chọn mô hình nào cho các sản phẩm kết nối phụ thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp, trong đó mô hình Đóng thường được các doanh nghiệp sở hữu cả năng lực công nghệ và năng lực sản xuất lựa chọn, còn mô hình Mở thường thích hợp hơn với những doanh nghiệp chỉ sở hữu một trong hai năng lực trên.

Sự khác biệt giữa Nền tảng đóng và Nền tảng mở trong sản phẩm kết nối
Hình 2: Sự khác biệt giữa Nền tảng đóng và Nền tảng mở

Những tỉ phú đô la nổi lên từ kinh doanh các sản phẩm kết nối

Các dự án ứng dụng IoT trong sản xuất, ô tô, năng lượng, bán lẻ, y tế và chuỗi cung ứng trong năm 2020 đã gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 2018 (1)(2). Nắm bắt xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của IoT và trí tuệ nhân tạo, các ông lớn trong những lĩnh vực này đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm có khả năng kết nối linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của thị trường (điển hình như Siemens, Telsa, Xiaomi, Phillips).

Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong việc phát triển và thương mại hóa những sản phẩm kết nối dựa trên IoT là Tập đoàn Xiaomi. Xiaomi được biết đến là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, tuy nhiên kể từ thời điểm năm 2018, doanh nghiệp này tập trung vào phát triển hàng loạt các sản phẩm gia dụng thông minh như máy lọc không khí, thiết bị chiếu sáng, robot hút bụi, bình đun nước….

Những sản phẩm kết nối hướng tới xây dựng ngôi nhà thông minh này đã đem lại 9 triệu đô la doanh thu cho Xiaomi vào năm 2019, một bước nhảy vọt giúp tăng 41,7% doanh thu so với năm trước đó, và hiện đang là mảng sản phẩm có mức độ tăng trưởng lớn nhất trong danh mục của Xiaomi (3).

Xiaomi tập trung vào phát triển hệ sinh thái sản phẩm kết nối theo mô hình Đóng, trong đó những sản phẩm được sản xuất bởi Xiaomi chỉ có thể kết nối với sản phẩm cùng thương hiệu, thông qua đó góp phần gia tăng thị phần của Xiaomi cho những dòng sản phẩm dân dụng.

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 29/03/2024

Không chỉ những doanh nghiệp có nền tảng cốt lõi là công nghệ như Xiaomi hay Apple, Amazon, Google… mới tập trung vào phát triển các sản phẩm kết nối thông minh, ngay cả những doanh nghiệp trong các ngành truyền thống hơn như FMCG cũng đang hướng đến việc cho ra đời những sản phẩm của thời đại mới – điển hình như Procter & Gamble.

Doanh nghiệp này đã cho ra đời sản phẩm bàn chải điện Oral-B Genius X với trí thông minh nhân tạo – có thể nhận biết và cá nhân hóa những vị trí người sử dụng cần tập trung vệ sinh trong khoang miệng của họ, với sự trợ giúp của một ứng dụng di động.

Sản phẩm này không chỉ giúp đem lại nguồn doanh thu mới cho Procter & Gamble mà còn giúp những chuyên gia của công ty này nghiên cứu những gì đang thực sự diễn ra khi khách hàng sử dụng sản phẩm của mình từ những thông tin thu thập được thông qua đám mây, từ đó giúp công ty này cải thiện tính năng cho cả những sản phẩm bàn chải truyền thống của mình.

Hệ thống sản phẩm – dịch vụ đang được kỳ vọng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thông qua những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới như cung cấp những sản phẩm dịch vụ đi kèm theo dạng mô hình thuê bao hàng tháng hoặc mở rộng quan hệ với các đối tác, tạo nên một hệ sinh thái sản phẩm – dịch vụ. Điều này sẽ góp phần mở rộng năng lực cạnh tranh và khả năng cung ứng của doanh nghiệp trong quá trình đáp ứng những nhu cầu thay đổi nhanh chóng của thị trường.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) IoT analytics. 2020. Top 10 IoT applications in 2020.
(2) IoT analytics. 2018. The Top 10 IoT Segments in 2018 – based on 1,600 real IoT projects.
(3) Forbes. 2020. Xiaomi Claimed To Be An ‘Internet Company’—But It’s Making More Gadgets Than Ever.

Nghiên cứu nổi bật
01. Voice of customer – Liệu có thực sự dễ dàng? 02. Chuyển đổi số – Kim chỉ nam cho ngành dệt may 03. Xu hướng chuyển đổi số trong ngành sản xuất da giày tại Việt Nam 04. Tạo đà ứng dụng S&OP để tối ưu hoạt động sản xuất
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận