Định hướng triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia
Internet of Thing

Định hướng triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia

Với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số tiên phong ứng dụng và triển khai những công nghệ mới và giải pháp mới nhằm đưa đất nước phát triển ổn định và thạnh vượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749 / QĐ-TTg ký ngày 03/6/2020, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Chương trình chuyển đổi số đã đặt mục tiêu phát triển Việt Nam nằm trong top 50 quốc gia dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử (EGDI)..

1. Tổng quan về chương trình Chuyển đổi số quốc gia

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đưa ra mục tiêu kép: không chỉ chuyển đổi quốc gia toàn diện trên ba cơ sở chính gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, mà còn đồng thời thúc đẩy ngành CNTT-TT Việt Nam có tư duy và năng lực ngang tầm thế giới. Song song với hai mục tiêu trên, nhà nước cũng đề ra một bộ chỉ số cơ bản để đo lường. Cụ thể hơn, cả mục tiêu tới năm 2025 và tầm nhìn tới 2030 của chương trình sẽ xoay quanh 3 nội dung chính:

  • Phát triển, nâng cao năng lực và hiệu quả của chính phủ số
  • Xây dựng nền kinh tế số và nâng tầm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế
  • Xây dựng xã hội số, thu hẹp khoảng cách số không chỉ giữa các vùng miền tại Việt Nam mà còn giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển.

Các quan điểm được xác định trong chương trình chuyển đổi số:

Thủ tướng chính phủ đã đặt ra 6 nguyên tắc và hướng tiếp cận của chương trình chuyển đổi số quốc gia, bao gồm:

  • Vai trò quyết định để chuyển đổi số là nhận thức;
  • Trung tâm của chuyển đổi số là người dân;
  • Động lực của chuyển đổi số là công nghệ và thể chế;
  • Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, hiệu quả và giảm chi phí là phát triển nền tảng số;
  • Yếu tố then chốt và xuyên suốt để chuyển đổi số thành công và bền vững là bảo đảm an toàn, an ninh mạng;
  • Sự thành công toàn diện của chương trình chuyển đổi số đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp cùng với sự ủng hộ và tham gia của toàn dân.

Theo đó, như chương trình đã nhấn mạnh, để tạo nền tảng cho chuyển đổi số sẽ đòi hỏi chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết và cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội; để tạo ra hiệu ứng lan tỏa từ điểm này đến điểm khác, từ các tổ chức tiên phong đến cộng đồng, thông qua những câu chuyện thành công có sức thuyết phục cao.

Về cơ chế phối hợp thực hiện tổng thể Chương trình, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:

  • Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử được giao nhiệm vụ soạn thảo chiến lược, cơ chế, chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; giám sát và điều phối việc thực hiện tổng thể Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
  • Ban Chỉ đạo về Chính phủ điện tử của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giám sát, điều phối các sáng kiến ​​chuyển đổi số trong phạm vi các Bộ, ngành, tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu quy trình cần có sự thay đổi bất thường ở cấp Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cuối cùng. Trường hợp cấp bộ, ngành, cấp tỉnh có yêu cầu thay đổi đột xuất thì Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Chính phủ điện tử của tổ chức tương ứng có trách nhiệm tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định cuối cùng.

Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ được trích từ ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ như sau:

  • Chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển được cân đối hàng năm cho các sở, ngành, địa phương. Trong đó, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước sẽ được ưu tiên sử dụng cho các mục tiêu thiếp lập nền tảng của chuyển đổi số cũng như các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình chuyển đổi số quốc gia.
  • Nguồn đầu tư được tài trợ và huy động hợp pháp khác của các khu vực tư nhân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và cộng đồng. 

2. Hướng triển khai chương trình chuyển đổi số theo từng lĩnh vực

Trong phạm vi Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, một số ngành và lĩnh vực sẽ được ưu tiên chuyển đổi trước với định hướng đem lại những giá trị cho xã  hội, người dân và doanh nghiệp thông qua khai thác các giải pháp số và sáng kiến số.

2.1. Lĩnh vực Y tế, sức khỏe

Ứng dụng chương trình chuyển đổi số của Y Tế hỗ trợ cho COVID-19
Ứng dụng chuyển đổi số giúp cho lĩnh vực Y Tế dễ dàng cập nhật số liệu người dân vào đại dịch COVID-19 vừa qua

Tầm nhìn của chương trình chuyển đổi số quốc gia ngành y tế là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các dịch vụ và hoạt động ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh theo 3 tiêu chí(1): Phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Chương trình cũng hướng đến những thay đổi tích cực mang lại từ chuyển đổi số theo 3 nhóm nội dung chính:

  • Thay đổi cách thức quản lý và điều hành nội bộ trong các phòng, ban và đơn vị y tế, hướng đến phương thức thức lãnh đạo hiệu quả, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời trên nền tảng công nghệ số.
  • Thay đổi cách thức cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ truyền thống sang dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần thúc đẩy  và nâng cao khả năng cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.
  • Thay đổi phương pháp làm việc và giao tiếp của đội ngũ cán bộ y tế, chuyển đổi tác phong làm việc truyền thống sang môi trường số, hình thành và xây dựng hình ảnh “người thầy thuốc số”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, chương trình đã đặt ra 8 định hướng phát triển nền tảng cho chuyển đổi số bao gồm:

  • Chuyển đổi nhận thức về vai trò và lợi ích chuyển đổi số ngành y tế.
  • Kiến tạo và hoàn thiện thể chế và chính sách trong lĩnh vực CNTT y tế.
  • Phát triển hạ tầng y tế số, nâng cấp, chuyển đổi hạ tầng kỹ thuật dựa vào nền tảng công nghệ đám mây, công nghệ mạng dây dẫn và không dây hiện đại; ứng dụng các máy chủ hội tụ và siêu hội tụ.
  • Phát triển dữ liệu y tế số, bao gồm phát triển và hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu quốc gia toàn ngành và chuyên ngành; sử dụng các công nghệ phân tích nhằm dự báo tình trạng sức khỏe y tế cộng đồng và đưa ra các chính sách quản lý phù hợp; xây dựng bộ dữ liệu gen (ADN) người Việt Nam.
  • Phát triển nền tảng y tế số.
  • Đảm bảo an toàn an ninh mạng giữa các đơn vị trong ngành y tế.
  • Hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo theo hướng số hóa ngành y tế.
  • Phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ngành về chuyển đổi số y tế và sử dụng các ứng dụng CNTT.

Ở Hoa Kỳ, Kaiser Permanente đã kết hợp với AMP xây dựng hệ sinh thái y tế nhằm phục vụ khách hàng của họ trên mọi kênh. Điều này đã giúp họ thành công có được nền tảng kết nối trực tuyến với khách hàng, kết nối chuyên gia với các bệnh nhân và gia đình.

2.2. Lĩnh vực Giáo dục

Theo Quyết định số 2222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng năm 2030(2), mục tiêu của chương trình chuyển đổi số cơ bản nhằm:

  • Phát triển kỹ năng số cho đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục nghề nghiệp;
  • Đổi mới, cập nhật và phát triển chương trình giáo dục đào tạo được tích hợp năng lực số;
  • Xây dựng hạ tầng và phát triển nền tảng học liệu số;
  • Số hóa quản lý và quản trị giáo dục tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Học sinh đang học trực tuyến vào đại dịch COVID-19
Chương trình chuyển đối số được ứng dụng trong giáo dục giúp học sinh không bị gián đoạn việc học trong đại dịch COVID-19

Quyết định cũng đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho ngành giáo dục, cụ thể như sau:

  • Xây dựng thể chế, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.
  • Phát triển chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số của nền kinh tế và hướng tới hội nhập toàn cầu.
  • Phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu, nền tảng số và học liệu số.
  • Đào tạo và bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đi đôi với đổi mới phương pháp dạy và học.
  • Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường.
  • Huy động nguồn lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp.
  • Nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế.
  • Bảo đảm an toàn, an ninh mạng giữa các đơn vị ngành giáo dục.

2.3. Tài chính – Ngân hàng

Chương trình chuyển đổi số ngành ngân hàng được thống đốc ngân hàng nhà nước phê duyệt(3) sẽ tập trung vào 2 mục tiêu tổng quát:

  • Chuyển đổi toàn diện hoạt động của Ngân hàng Nhà nước theo hướng số hóa, trên cơ sở ứng dụng và tận dụng hiệu quả các thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0;
  • Triển khai các mô hình ngân hàng số, mở rộng chuỗi dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng và hoàn thành mục tiêu tài chính toàn diện. Đồng thời phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình nghiệp vụ.
Cổng thông tin trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Cổng thông tin trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Chương trình này sẽ được phối hợp thực hiện bởi Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Ngân hàng, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước cùng các ban lãnh đạo các tổ chức tín dụng và các công ty đóng vai trò trung gian thanh toán, các Vụ thanh toán, Cục Công nghệ Thông tin, Vụ Tài chính Kế toán, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đầu mối tham mưu cùng các đơn vị có liên quan dựa trên các nhóm giải pháp chủ yếu bao gồm:

  • Thay đổi nhận thức, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng.
  • Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ cho chương trình chuyển đổi số lĩnh vực Ngân hàng.
  • Phát triển hạ tầng thanh toán số liên ngân hàng và mở rộng hạ tầng kết nối thông tin.
  • Thực hiện chuyển đổi số ngân hàng nhà nước theo định hướng kiến trúc chính phủ điện tử 2.0
  • Xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi số tại tổ chức tín dụng.
  • Đẩy mạnh nâng cấp, xử lý và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu số.
  • Bảo đảm an toàn, an ninh mạng giữa các đơn vị trong ngành ngân hàng.
  • Phát triển nguồn nhân lực thông qua các chính sách ưu đãi, thu hút cũng như bồi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ và kinh nghiệm về CNTT và kỹ năng về chuyển đổi số.

2.4. Chuyển đổi số nông nghiệp

Kế hoạch tổ chức chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn(4) tập trung vào các mục tiêu đề ra gồm:

  • Phát triển hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền tảng cho kiến tạo thể chế và xây dựng nền kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ cao trong nền kinh tế.
  • Nâng cao từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị thuộc ngành và tổ chức, cá nhân trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
  • Xây dựng định hướng và lộ trình triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn làm cơ sở xây dựng kế hoạch hàng năm và tiến hành thực hiện chuyển đổi số đồng bộ và hiệu quả.
Công nhân đang đi kiểm tra chất lượng nông sản
Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Các cơ quan đơn vị và văn phòng thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, và Trung tâm Tin học và Thống kê sẽ phối hợp thực hiện các nhóm nhiệm vụ sau:

  • Hoàn thiện môi trường pháp lý; Xây dựng, ban hành quy định và quy chế tiếp nhận, số hóa, lưu trữ và xử lý hồ sơ và quản lý, vận hành, duy trì các hạ tầng số.
  • Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng số.
  • Xây dựng, phát triển nền tảng số.
  • Phát triển dữ liệu, bao gồm thiết kế kiến trúc dữ liệu tổng thể,
  • Phát triển các ứng dụng, dịch vụ
  • Bảo đảm an toàn thông tin mạng
  • Phát triển nguồn nhân lực

2.5. Giao thông vận tải

Mục tiêu tổng quát của chương trình chuyển đổi số ngành giao thông vận tải định hướng đến năm 2025 bao gồm:(5)

  • Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một sâu rộng trong Bộ Giao thông vận tải;
  • Kiến tạo thể chế và xây dựng chính sách chú trọng phục vụ phát triển và quản lý các mô hình kinh doanh vận tải và dịch vụ logistics mới;
  • Xây dựng Chính phủ số theo hướng thiết lập cơ sở dữ liệu cho mọi hoạt động nghiệp vụ, tự động hoá ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định.
  • Triển khai các hệ thống giao thông thông minh và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm quản lý và điều hành giao thông.
  • Xây dựng nền kinh tế số thông qua chuyển đổi phương thức quản lý, tận dụng các công nghệ số nhằm tạo điều cho người dân và doanh nghiệp trong trải nghiệm dịch vụ vận tải và giảm chi phí logistics.
Cảng, sông và các container chở hàng
Quản trị mô hình kinh doanh và dịch vụ Logistics vô cùng quan trọng cho tầm nhìn phát triển Việt Nam

Để thực hiện hóa mục tiêu đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Giao thông vận tải, Trung tâm Công nghệ thông tin, các Vụ tham mưu thuộc Bộ Giao thông vận tải, Vụ Khoa học – Công nghệ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính sẽ cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ sau:

  • Chuyển đổi nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số trong ngành Giao thông vận tải;
  • Kiến tạo thể chế, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Giao thông vận tải;
  • Phát triển hạ tầng số, hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng thiết bị hệ thống giao thông thông minh;
  • Phát triển dữ liệu số, chính sách về dữ liệu số và hạ tầng chia sẻ dữ liệu số, Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo;
  • Xây dựng nền tảng số tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng quản lý thu phí, thanh toán điện tử trong giao thông, nền tảng nhận diện, kiểm soát và vận hành giao thông thông minh, …;
  • Bảo đảm an toàn, an ninh mạng;
  • Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Giao thông vận tải;

2.6. Tài nguyên môi trường

Mục tiêu tổng quát của chương trình chuyển đổi số ngành tài nguyên môi trường(7) bao gồm:

  • Phát triển chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.
  • Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
  • Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số
Năng lượng mặt trời, năng lượng gió
Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên môi trường là một trong những chủ trương của Nhà nước

Việc thực hiện chương trình sẽ được phối hợp bởi các bộ ngành như Ban Chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường, Văn phòng Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Cục và Vụ có liên quan nhằm thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

  • Chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên môi trường trong các cơ quan, đơn vị và người dân
  • Xây dựng cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp
  • Tổ chức và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển đổi số ngành tài nguyễn môi trường
  • Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
  • Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, phát triển nguồn nhân lực số
  • Phát triển cơ chế tài chính ưu tiên cho phát triển chính phủ số, hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, …
  • Phát triển cơ chế thực thi đo lường, đánh giá và giám sát triển khai
  • Đẩy mạnh xã hội hóa trong chuyển đổi số tài nguyên và môi trường

 2.7. Công nghiệp sản xuất

Theo Quyết định Ban hành Chương trình quốc gia về phát triển đến 2030(8), chương trình đề ra mục tiêu nghiên cứu, phát triển và tận dụng hiệu quả công nghệ cao trong phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ và thúc đẩy kinh tế – xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ mội trường. Bên cạnh đó góp phần xây dựng và phát triển một số ngành công – nông nghiệp công nghệ cao cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này. 

Hai công nhân đang lắp ráp linh kiện ô tô
Mục tiêu về nghiên cứu công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp là một trong những chú trọng hàng đầu của mục tiêu chương trình chuyển đổi số

Nhiệm vụ do chương trình đề ra bao gồm:

  • Xây dựng và hoàn thiện thể chế nhà nước phục vụ cho việc nghiên cứu và ứng công nghệ cao hướng tới các mục tiêu kinh tế – xã hội, an ninh và môi trường;
  • Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, … và thắt chặt liên kết giữa các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp;
  • Hỗ trợ và tạo điều kiện hiện đại hóa quy trình sản xuất và cung cấp sản phẩm dịch vụ;
  • Thúc đẩy các chương trình và hoạt động hợp tác quốc tế về công nghệ cao;
  • Cải thiện nhận thức về tầm quan trọng, vai trò và lợi ích của công nghệ cao. 

3. FPT Digital hỗ trợ doanh nghiệp định hướng triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia hiệu quả

Để đạt được mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, các cơ quan và đơn vị tham gia cần xây dựng những chiến lược trung và dài hạn. Mục tiêu nhằm thích ứng nhanh với môi trường số, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên chất lượng cao và nhanh chóng sử dụng hiệu quả những thành tựu mà chuyển đổi số mang lại cũng. 

Bên cạnh việc tự xây dựng các chiến lược và chính sách phục vụ mục tiêu số, việc tham khảo ý kiến và nhận sự tư vấn từ những doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số cũng đóng một vai trò quan trọng. Không chỉ giúp các đơn vị nhanh chóng triển khai và hoàn tất các nhiệm vụ mà chương trình đề ra, nhà tư vấn còn giúp xây dựng một chiến lược phát triển số linh hoạt và bền vững trong tương lai.

Là đơn vị tư vấn lộ trình chuyển đổi số hàng đầu tại Việt Nam, FPT Digital, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đối tác đắc lực giúp doanh nghiệp từng bước xây dựng nguồn lực số chất lượng cao, tận dụng công nghệ để Chuyển đổi số và giải quyết các bài toán doanh nghiệp. FPT Digital song hành với mục tiêu phát triển doanh nghiệp, hướng tới những giá trị mới, sự tối ưu hóa và đổi mới sáng tạo. 

Bên cạnh đó, FPT Digital cũng tham gia tư vấn vào các dự án quy hoạch, chuyển đổi số các tỉnh thành bao gồm 3 lĩnh vực: chính quyền số – kinh tế số – xã hội số, từ đó giúp các tỉnh thành có chiến lược rõ ràng, xây dựng trụ cột số vững mạnh và phát đột phát 

Như vậy, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đã đưa ra định hướng và các quy tắc phát triển toàn diện dựa trên 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, đồng thời đặt trọng tâm chuyển đổi số vào các ngành bao gồm Y tế – sức khỏe, Giáo dục, Tài chính – ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Tài nguyên môi trường và công nghiệp sản xuất. 

Sự thành công của chương trình chuyển đổi số không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực từ các cơ quan ban ngành của nhà nước mà còn đòi hỏi sự tham gia và ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để đảm bảo đạt được mục tiêu, các đơn vị tham gia cần xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trung và dài hạn cũng như có thể tham khảo ý kiến từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực để xây dựng được một lộ trình chuyển đổi số hiệu quả.   

Nguồn: 

(1): Luatvietnam. 2020. Quyết định 5316/QĐ-BY phê duyệt Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025.

(2): Thuvienphapluat. 2021. Quyết định 2222/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

(3): Thuvienphapluat. 2021. Quyết định 810/QĐ-NHNN Phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

(4): Thuvienphapluat. 2021. Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025

(5): Luatvietnam. 2020. Quyết định 2269/QĐ-BGTVT Chương trình Chuyển đổi số Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2025

(6): Thuvienphapluat. 2021. Quyết định 417/QĐ-BTNMT Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Tài nguyên và Môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

(8): Thuvienphapluat. 2021. Quyết định 130/QĐ-TTg  Ban hành Chương trình Quốc gia Phát triển Công nghệ cao đến năm 2030

 

Nghiên cứu nổi bật
01. 12 thách thức lớn nhất của bảo mật điện toán đám mây 02. Tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp với cách mạng xanh lần thứ 2 03. 3 nhóm ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiệu quả năm 2022 04. 06 xu hướng chuyển đổi số ngân hàng năm 2022
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận