Nghệ thuật giao tiếp để thành công

Nghệ thuật giao tiếp để thành công
Speaker Mr. Cương Đoàn
Business Analyst, FPT Digital
“Nếu bạn chỉ giao tiếp, bạn có thể tồn tại. Nhưng nếu bạn giao tiếp khéo léo, bạn có thể tạo ra điều kỳ diệu.”​
Trong quá trình sống và làm việc, giữa con người với con người luôn tồn tại nhiều mối quan hệ, mà trong số đó, đa số được hình thành, phát triển trong quá trình con người sống và hoạt động trong cộng đồng xã hội thông qua các hình thức tiếp xúc, gặp gỡ, liên lạc với người khác. Hay gọi cách khác là “giao tiếp cộng đồng”.

Vậy thực sự, giao tiếp là gì và làm thế nào để giao tiếp tốt và đạt được hiệu quả như mong đợi? Những chủ đề này sẽ được đề cập trong workshop Px+ số 2 mang tên “The art of communication for success” của diễn giả Mr. Đoàn Thạch Cương – Chuyên gia tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital.

1. Giao tiếp là gì và quá trình giao tiếp như thế nào?

Sơ đồ trên đây đã chỉ ra, quy trình giao tiếp khi một người muốn truyền đạt ý nghĩ nào đó đến từ khác bắt đầu từ việc mã hoá ý nghĩ đó. Sau đó, những thông điệp (ý nghĩ đã được mã hoá) này được truyển tải cho người nhận qua nhiều kênh khác nhau (ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, …).

Các kênh ngôn ngữ này có thể được sử dụng linh hoạt để đạt được mục đích giao tiếp của người phát. Sau đó, các thông điệp này sau khi được tiếp nhận sẽ được giải mã, tức là phân tích để hiểu được ý nghĩ người nói.

Một khâu quan trọng khác của quy trình này là phản hồi khi người nhận phản hồi để người phát biết thông điệp đã được truyền đi và hiểu như thế nào.

Như vậy, giao tiếp là một quá trình tương hỗ và tuần hoàn giữa các chủ thể.

 

2. Các phương tiện giao tiếp

Phương tiện giao tiếp ngôn ngữ: Ngôn ngữ là loại phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người. Ngôn ngữ được sử dụng trong giao tiếp bao gồm ngôn ngữ nói & ngôn ngữ viết. Đề sử dụng phương tiện giao tiếp này, chúng ta nên lưu ý một số yếu tố sau: nội dung ngôn ngữ, phát âm, giọng nói, tốc độ nói, phong cách ngôn ngữ.

Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ: nếu như phương tiện giao tiếp ngôn ngữ chiếm 20% kết quả cuộc giao tiếp giữa con người với con người, thì các phương tiện phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cơ thể, ăn mặc, tư thế & động tác) lại chiếm tới 80%. Người giao tiếp giỏi cần kết hợp hài hoà giữa giao tiếp ngôn ngữ & giao tiếp không ngôn ngữ để đạt được hiệu quả giao tiếp tốt nhất.

 

3. Cửa sổ Johari – nhìn mình bằng nhiều con mắt​

Mô hình cửa sổ Johari được xây dựng và phát triển bởi Joseph Luft và Harry Ingham (từ Johari là từ viết tắt ghép lại từ hai tên người này), mô hình này có hai ý chính như sau: 1. Các cá nhân có thể xây dựng niềm tin lẫn nhau bằng cách tiết lộ thông tin về bản thân và 2. Họ có thể tự học và hiểu thêm về mình và hiểu về những vấn đề về bản thân mình chính từ những phản hồi của người khác.

Cửa sổ Johari là một mô hình với thiết lập 4 góc dùng để nâng cao khả năng tự nhận thức, hiểu biết lẫn nhau giữa các cá nhân khác nhau trong một nhóm.

Ngoài ra, cửa sổ Johari còn được sử dụng để giúp phát triển các năng lực, trong đó có năng lực giao tiếp của một cá nhân. Có được điều này là nhờ cửa sổ Johari có thể cung cấp cho bạn phương pháp nhìn nhận bản thân và hiểu cách người khác nhìn nhận về bạn.

Mô hình cửa sổ Johari được ứng dụng cho các mục đích như: Phát triển cá nhân thông qua tự nhìn nhận bản thân và hiểu cách người khác nhìn nhận về bạn; cải thiện kỹ năng giao tiếp; phát triển nhóm; …