Tầm quan trọng của quản lý vòng đời sản phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất
Digital Strategy

Tầm quan trọng của quản lý vòng đời sản phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất

Quản lý vòng đời sản phẩm là hướng đi giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý tất cả các yếu tố liên quan đến sản phẩm từ sơ bộ đến khi hết vòng đời sản phẩm.

Để đưa 1 sản phẩm tới tay người tiêu dùng, trải qua vô số khâu bắt đầu từ nghiên cứu phát triển sản phẩm tới khi sản phẩm đó không còn lưu thông trên thị trường. Để quản lý hiệu quả toàn bộ là một thách thức rất lớn với doanh nghiệp sản xuất. Product Lifecycle Management (PLM) – Quản lý vòng đời sản phẩm ra đời giúp giải quyết được các bài toán đó, vì những lợi ích rõ rệt mà nó mang lại như:

  • Chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm được cải thiện
  • Báo giá sản phẩm kịp thời và chính xác
  • Giảm chi phí chế tạo trong quá trình sản xuất sản phẩm
  • Tiết kiệm thời gian và tìm lực khi ứng dụng lại các dữ liệu gốc sẵn có
  • Xác định được các cơ hội bán hàng và gia tăng doanh thu
  • Dễ dàng dự báo để giảm chi phí nguyên vật liệu sản xuất

PLM là gì?

Phó chủ tịch phụ trách kĩ thuật và phát triển sản phẩm của American Motors Corporation (AMC) đã luôn cố gắng tìm cách đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm của mình nhằm cạnh tranh tốt hơn với các đổi thủ lớn khác vào năm 1985(1), ông đã có một sáng kiến nhằm tối ưu các quy trình theo từng bước của quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới và nó đã trở thành nền tảng cho các hệ thống quản lý vòng đời sản phẩm hiện nay.

Một hệ thống PLM đầy đủ hiện nay là sự tích hợp tất cả các khía cạnh của một sản phẩm, đưa sản phẩm đó từ giai đoạn hình thành qua chu kỳ sống của sản phẩm đến việc loại bỏ sản phẩm và các thành phần. PLM kết hợp tầm nhìn bao quát mà một tổ chức có để quản lý dữ liệu, con người, phần mềm, sản xuất, tiếp thị và kế hoạch tổng thể cho sản phẩm.

quản lý vòng đời sản phẩm
Hình 1: Năm giai đoạn lớn của một sản phẩm mà hệ thống PLM sẽ tập trung quản lý

Những điểm cốt lõi của một hệ thống PLM

Cốt lõi của quá trình PLM nhắm vào việc xây dựng và quản lý dữ liệu thông tin xung quanh sản phẩm bằng cách cung cấp các quy trình dưới dạng các chức năng để chuẩn hóa dữ liệu về sản phẩm mà hệ thống muốn quản lý. Dữ liệu này sau đó được chia sẻ với các bên liên quan nhằm đảm bảo tất cả các bên đều có thể tiếp cận và sử dụng, tối ưu cho các sản phẩm ra sau và giúp việc phân tích chuyên sâu về sản phẩm một cách hiệu quả. Do đó, các nguyên tắc cốt lõi của PLM là:

  • Quy trình và chức năng chặt chẽ
  • Truy cập và quản lý thông tin sản phẩm dễ dàng và an toàn
  • Duy trì tính toàn vẹn thông tin trong suốt vòng đời sản phẩm
  • Xây dựng, quản lý và chia sẻ quy trình kinh doanh dựa trên dữ liệu sản phẩm

Các chức năng chính của một hệ thống PLM

Tuỳ thuộc vào tính chất của sản phẩm hay dịch vụ của mỗi doanh nghiệp mà hệ thống PLM cần phải cung cấp các chức năng khác nhau. Tuy nhiên, các khối chức năng quan trọng dưới đây thì bất kì doanh nghiệp nào nếu đã quyết định triển khai PLM đều cần phải xây dựng nhằm bảo đảm hệ thống sẽ cung cấp các công cụ phù hợp để quản lý tốt nhất sản phẩm và dữ liệu sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Hình 2: Các khối chức năng quan trọng của một hệ thống PLM

1. Cộng tác và báo cáo: Cung cấp các chức năng giúp những người có thẩm quyền tiếp cận thông tin hoặc tham ra dự án sản phẩm có thể cộng tác, chia sẻ với nhau về sản phẩm, đồng thời có thể theo dõi được mọi diễn biến về sản phẩm ở bất kì giai đoạn nào thông qua các báo cáo trực quan.

2. Quản lý luồng công việc: Quản lý, tùy chỉnh các luồng công việc đảm bảo phù hợp với tính chất của mỗi dự án sản phẩm.

3. Quản lý rủi ro: Cung cấp các công cụ nhằm quản lý các rủi ro thông qua việc ghi lại các vấn đề có thể thúc đẩy rủi ro, phân tích và đưa ra phương án nhằm hạn chế tối thiểu rủi ro có thể gặp phải ở bất kì giai đoạn nào trong một dự án sản phẩm.

4. Quản lý dự án: Hỗ trợ người quản lý dự án sản phẩm có thể phân chia và quản lý các công việc của tất cả các thành viên và tuân thủ các luồng công việc đã được xây dựng sẵn.

5. Quản lý sản xuất sản phẩm: Tích hợp với các hệ thống khác (ERP, MES, etc.) để theo dõi, đánh giá toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm thông qua dữ liệu.

6. Quản lý thiết kế sản phẩm trên nền tảng số: Hỗ trợ các công cụ phù hợp để thiết kế, xây dựng concept, mẫu thử trong quá trình thiết kế (phần mềm thiết kế 2D, 3D, máy in 3D, etc.).

7. BI: Cung cấp hệ thống báo cáo thông minh (Business Intelligence) để dễ dàng tùy chỉnh các báo cáo theo nhiều chiều dữ liệu, cung cấp cái nhìn toàn diện hơn cho mỗi sản phẩm ở bất kì giai đoạn nào.

8. Quản lý chất lượng: Hỗ trợ xây dựng các quy trình theo dõi, đánh giá chất lượng của sản phẩm ở từng khâu, phù hợp với đặc thù của sản phẩm trong mỗi dự án, tích hợp với các hệ thống quản lý chất lượng để thu thập thông tin trong suốt vòng đời sản phẩm.

9. Quản lý BOM: Với mỗi sản phẩm, dựa trên thiết kế, mẫu thử, các dạng BOM (Bill of Materials) của sản phẩm cũng sẽ được xây dựng và quản lý tại đây.

10. Tương tác với các nhà cung cấp: Tích hợp với các hệ thống quản lý nhà cung cấp nhằm tối ưu thời gian, chi phí và đánh giá chất lượng của các nguyên liệu, bán thành phẩm cấu tạo nên sản phẩm theo mỗi dự án sản phẩm.

11. Quản lý sự thay đổi: Xác nhận mỗi sự thay đổi, đánh giá ảnh hưởng của sự thay đổi đó nhằm tối ưu các hoạt động, chi phí và hiệu quả khi quyết định áp dụng thay đổi với sản phẩm trong từng dự án.

Vì sao PLM ngày càng trở nên quan trọng với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất?

Doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp sản xuất nói riêng sẽ có rất nhiều các vấn đề quan trọng cần phải được giải quyết liên quan đến sự biến đổi liên tục của thị trường và nhu cầu của người dùng, sức cạnh tranh với các đối thủ.

  • Khách hàng luôn có xu hướng muốn được sử dụng những sản phẩm mới, đẹp về hình thức đa dạng về lựa chọn
  • Lợi thế thị trường tỉ lệ thuận với thời gian tung ra sản phẩm mới, đòi hỏi lead-time của sản phẩm phải càng ngắn càng tốt
  • Cạnh tranh với các đối thủ ngày càng gay gắt
  • Nếu sản phẩm của doanh nghiệp không phải là một sản phẩm đặc thù, trong khi lại có nhiều phân khúc thì việc lấp đầy phân khúc cũng là một vấn đề cần được quan tâm
  • Số hoá và tối ưu các quy trình trong quá trình phát triển và tung sản phẩm ra thị trường nhằm tối ưu chi phí, tối đa lợi nhuận, doanh thu
  • Đưa ra các quyết định trước các thời điểm dựa trên dữ liệu sẽ là một yêu cầu để hạn chế thấp nhất các rủi ro

 

Tất cả những vấn đề trên sẽ đều được giải quyết nếu doanh nghiệp đầu tư và xây dựng một hệ thống PLM cho riêng mình, theo đó sẽ là số hoá và tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, cho ra đời những sản phẩm phù hợp thị hiếu trong thời gian ngắn nhất, tích luỹ kinh nghiệm, đưa ra các quyết sách phù hợp và những điều đó chắc chắn sẽ kết tinh lại theo thời gian thành những bí mật kinh doanh thành công.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Internet Archive.2010. Manufacturing Pioneers Reduce Costs By Integrating PLM & ERP

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng khách hàng trong ngành đá quý 02. Phản ứng với Covid-19 trong ngành nông nghiệp 03. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn – Những bài học kinh nghiệm và 03 tác động Kinh tế – Môi trường – Xã hội 04. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận