Nhà máy xanh – Xu hướng tất yếu của nền công nghiệp tương lai
Digital Strategy

Nhà máy xanh – Xu hướng tất yếu của nền công nghiệp tương lai

Việc hình thành xu hướng nhà máy xanh đang dần trở nên thiết yếu trong bối cảnh quá trình công nghiệp hoá và sự bùng nổ của các hoạt động thương mại dịch vụ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Xây dựng và thiết lập hệ thống nhà máy xanh được coi là một trong những bước chuyển mình quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững

Nhà máy xanh là nhà máy được trang bị các quy trình thiết kế và sản xuất thân thiện với môi trường giúp cải thiện hiệu quả phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng.

Quy hoạch nhà máy xanh nên được phát triển trước tiên thông qua thiết kế và mô hình hóa. Sau đó, cần xem xét lại việc đánh giá môi trường với các quy trình xanh tích hợp và chuyên nghiệp đa ngành vào mô hình nhà máy. Nhà máy xanh cũng cần cung cấp sự liền mạch của quá trình cải tiến vào hoạt động và bảo trì.

Một nhà máy xanh là một công trình sản xuất hiệu suất cao với thiết kế tích hợp giữa năng suất và mối quan hệ của nó với môi trường. Do đó, nhà máy xanh cần đảm bảo các yếu tố sau:

  • Có hệ thống giám sát và kiểm soát trực tuyến xanh: dữ liệu về các tác động môi trường như tiêu thụ năng lượng, ánh sáng, chất lượng không khí và nước, điều kiện môi trường trong nhà, lãng phí cần được hệ thống cung cấp theo thời gian thực để được điều chỉnh kịp thời.
  • Đảm bảo nguyên liệu xanh và chuỗi cung ứng đầu vào của quá trình sản xuất tuân thủ tiêu chuẩn thân thiện với môi trường. Quy trình cần cải tiến từ các quy trình đã được thông qua hiện tại như quản lý tổng thể hóa chất, mua sắm xanh; dán nhãn xanh; lựa chọn vật liệu và sàng lọc hóa chất; đánh giá tác động công nghệ nano & kỹ thuật sinh học; đánh giá mối nguy để loại bỏ các chất độc hại.
  • Hạn chế tối đa lãng phí và ô nhiễm. Tỷ lệ phần trăm hao phí của quy trình công nghiệp hiện tại cần phải cải thiện đáng kể để đạt được mức lãng phí gần bằng không.
  • Tối ưu hoá nguồn lực: Có những cơ hội cải tiến rất lớn từ các quy trình hiện tại như sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo; bảo tồn nước và v.v.
  • Thiết kế cho hệ sinh thái: nhà máy được xem như là một thực thể sống liên tục tương tác với toàn bộ các ngành và hệ sinh thái thị trường. Thiết kế cho hệ sinh thái quan tâm đến sự tích hợp và trao đổi động lực của các nguồn lực, cơ sở hạ tầng hỗ trợ cũng như hậu cần của vòng đời sản phẩm và tác động của nó đến hệ sinh thái.

Đầu tư cho một hệ thống nhà máy xanh trung bình cao hơn công trình thông thường cùng loại từ 5% đến 15%, theo GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng – Phó chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí vận hành của nhà máy xanh sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, nước sạch và các chi phí khác. Do đó trung bình sau 4-5 năm, tổng số tiền tiết kiệm từ chi phí vận hành có thể bù đắp vốn cho các chủ đầu tư nhà máy xanh. (1)

Những ảnh hưởng tới môi trường của các ngành công nghiệp sản xuất và hoạt động kinh doanh tác động đến cách tiếp cận và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Họ ngày càng đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, một trong số đó chính là việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn chất lượng và thân thiện với môi trường dần trở thành xu hướng. Ngược lại, những doanh nghiệp sản xuất gây ảnh hưởng xấu tới tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường sẽ đối mặt với nguy cơ bị chính người tiêu dùng quay lưng.(2)

Kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam công bố tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch”, sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu có cam kết thân thiện với môi trường. Cụ thể, có tới 80% người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các thành phần mà họ không mong muốn.(3)

Khảo sát trên cũng chỉ ra, các thương hiệu cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch có mức độ tăng trưởng cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Trong ngành thực phẩm nước giải khát, mức tăng trưởng đạt từ 2-11%. Một số sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam như bóng đèn Điện quang, Ecopark, Unilever đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất “xanh”, cụ thể là Unilever đã tăng trưởng 30% khi thực hiện cam kết về sản phẩm “sạch”.(3)

Theo xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.

Có rất nhiều phương thức mà cách doanh nghiệp trên thế giới đang thực hiện có hiệu quả để tiến tới sản xuất xanh. Đó là có thể áp dụng mô hình tái tạo năng lượng, sử dụng công nghệ trong vận hành, chuyển đổi sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Áp dụng mô hình tái tạo cung cấp năng lượng tinh gọn và khép kín

Các công ty và thiết bị sản xuất đang hướng tới phát triển bền vững hơn bằng cách tạo ra một mô hình tái tạo cung cấp năng lượng cho các cơ sở của họ. Thay vì tự mua nguyên liệu thô, các nhà máy xanh sẽ sử dụng chất thải của một nhà máy khác (nước, năng lượng và các nguồn tài nguyên khác) để đáp ứng nhu cầu của họMô hình tái tạo cung cấp năng lượng bao gồm:

  • Khôi phục tài nguyên và tái chế vật liệu
  • Cho thuê trang thiết bị – một phần của nền kinh tế chia sẻ
  • Sử dụng bảo trì dự đoán nhằm tăng giá trị tuổi thọ và độ bền của máy móc và thiết bị
  • Chuyển sang nguồn điện tái tạo cung cấp năng lượng cho các nhà máy

 

Mô hình tái tạo cung cấp năng lượng tinh gọn và khép kín trong nhà máy xanh
Hình 1: Mô hình tái tạo cung cấp năng lượng tinh gọn và khép kín

Các nhà máy tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh đạt hiệu quả

Một số nhà máy đáp ứng được các tiêu chí phát triển bền vững như sử dụng các vật liệu tái chế, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, không gây tổn hại đến môi trường và giảm tác động gây biến đổi khí hậu.

Công trình Nhà máy Bel Greenfield Asean tại Bình Dương thuộc công ty Bel Việt Nam, thành viên của Tập đoàn BEL Pháp, đã tiết kiệm 20% năng lượng, giảm 74% OTTV (Overall Thermal Transfer Value – chỉ số truyền nhiệt tổng), có mật độ công suất chiếu sáng giảm 83% so với tiêu chuẩn VBEEEC., sử dụng 21% vật liệu có nguồn gốc tái chế, bền vững và tái tạo nhanh.(5)

Công trình nhà máy may Deutsche Bekleidungs Werke tại Long An thuộc tập đoàn Royal Spirit Group đã sử dụng năng lượng tái tạo (xăng sinh học và pin quang điện), tái chế 93% phát thải xây dựng với khu vực dành riêng để phân loại và tập kết sản phẩm tái chế, sử dụng mái xanh hơn 1,000 m2 để trồng các loại rau cung cấp cho nhà ăn.(6) Ông Thomas Hebestreit, Giám đốc điều hành tập đoàn Royal Spirit Group chia sẻ: “Chúng tôi đã nhìn thấy sự khao khát tiến bộ và phát triển bền vững của ngành thời trang nhiều năm qua thông qua việc ngày càng nhiều khách hàng không chỉ muốn hợp tác mà còn muốn nâng cao trách nhiệm xã hội của họ bằng cách làm việc với các nhà máy hoạt động trên nền tảng thân thiện với môi trường, từ công nghệ cho đến con người”.

Hình 2: Hình minh hoạ nhà máy xanh

 

 

Công trình nhà máy Coca Cola Việt Nam ở Thủ Đức đã sử dụng hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí hiệu quả cao (HVAC) giúp giảm hút ẩm hiệu quả hơn các hệ thống thông thường, hệ thống thiết bị hiệu quả nước cao hơn 35% so với một tòa nhà thông thường, sử dụng các vật liệu địa phương, tái chế và phát thải thấp.(7) 

Công trình Nhà máy kết cấu thép ATAD tại Đồng Nai đã giảm 15% mức tiêu thụ làm mát hàng năm với mái nhà làm bằng vật liệu phản xạ mặt trời, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước mưa biến thành nước sinh hoạt, tưới tiêu, hệ thống năng lượng mặt trời, gió được lắp đặt để tái tạo nguồn điện, giảm tối đa chi phí và bảo vệ môi trường.(8)

Động lực chính của các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các công trình Nhà máy xanh tại Việt Nam bao gồm:

  • Thúc đẩy sự phát triển thương hiệu
  • Đảm bảo cam kết về phát triển chiến lược bền vững toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia
  • Nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường
  • Mở rộng thị trường quốc tế, hướng tới các quốc gia có luật môi trường nghiêm ngặt đối với các sản phẩm được nhập khẩu.

Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ các nhà máy xanh với con số ấn tượng theo từng năm, tác động lớn đến tiến trình phát triển theo hướng bền vững cũng như thiết lập mạng lưới công nghiệp xanh. Đây là tín hiệu tích cực thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam nhanh chóng, tạo được thương hiệu vươn ra thị trường toàn cầu mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Tạp chí môi trường. 2015. Những lợi ích to lớn và lâu dài của xây dựng công trình xanh và đề xuất các giải pháp phát triển.
(2) Tạp chí công thương. 2020. Lợi ích doanh nghiệp và trách nhiệm với môi trường.
(3) Nielsen Việt Nam. 2017. Khuynh hướng tiêu dùng “Xanh” và “Sạch” của người tiêu dùng.
(4) Beekeeper. 2021. 4 Novel Ways to Transform Your Factory into a Green Manufacturing Plant.
(5) VGBC. 2017. Nhà máy Bel Greenfield Asean đạt Chứng Nhận LOTUS Certified.
(6) VGBC. 011-NR-2.0-NC – Nhà máy DBW Long An.
(7) USGBC. Coca-Cola HCM site master plan project.
(8) USGBC. ATAD DONG NAI STEEL STRUCTURE FACTORY.

Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi số: Phục hồi và tạo dựng giá trị trong “Bình thường mới” 02. Banking-as-a-Service: Một làn sóng mới 03. Chuyển đổi số trong Ngân hàng giao dịch 04. Chuyển đổi số kỹ thuật trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận