Xu hướng chuyển đổi số trong ngành sản xuất da giày tại Việt Nam
Internet of Thing

Xu hướng chuyển đổi số trong ngành sản xuất da giày tại Việt Nam

Ngành da giày Việt Nam hiện đang có vị thế cao trên trường quốc tế, chiếm khoảng 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu, đạt doanh thu 20,78 tỷ USD từ xuất khẩu các sản phẩm da giày, tăng 4,6% so với 2020; đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu da giày (sau Trung Quốc)(1).

Trong nước, da giày thuộc nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu cao chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Trong sáu tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 13,81 tỷ USD tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2021(2). Mục tiêu năm 2022, tăng trưởng toàn ngành đạt từ 10-15% so với năm 2021 đạt khoảng 23-25 tỷ USD(3).

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là phần lớn tỷ trọng xuất khẩu da giày của Việt Nam lại chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI, tuy chỉ chiếm 10% tổng số doanh nghiệp da giày hiện nay, nhưng lại chiếm tới gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành (10,99 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2022(4). Điều đó nói lên thực trạng doanh nghiệp nội đang “lép vế” so với nước ngoài về quy mô và năng lực sản xuất, đòi hỏi cần có những chuyển đổi căn bản và sâu rộng để tăng năng suất và giảm sự phụ thuộc vào con người, trong đó Chuyển đổi số là chìa khóa để nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam trong sân chơi toàn cầu.

1. Vai trò của Chuyển đổi số trong ngành sản xuất da giày​

Chuyển đổi số đang diễn ra trên mọi lĩnh vực của xã hội và kinh tế Việt Nam và ngành da giày không nằm ngoài xu thế này. Hướng tới mô hình hoạt động 4.0 là chìa khóa khai mở chuỗi giá trị ngành, mang lại nhiều lợi ích đột phá nhằm tạo ra sự thay đổi lớn trong cách thức sản xuất, kinh doanh cũng như hoạt động vận hành nội bộ của doanh nghiệp.

Đồng thời, chuyển đổi số sẽ giúp cho doanh nghiệp đối phó với những thách thức của thời đại mới như những yêu cầu về bền vững trong sản xuất và nguyên phụ liệu, các quy định tiêu chuẩn môi trường ngày một chặt chẽ, thiếu hụt trầm trọng nhân lực sản xuất hậu đại dịch và sự cạnh tranh khốc liệt về tài nguyên và chi phí lao động, đặc biệt đối với các ngành thâm dụng lao động lớn như da giày.

2. Năng lực Chuyển đổi số hiện tại của doanh nghiệp ngành da giày tại Việt Nam​

Tại Việt Nam, ngành da giày là một trong các ngành sản xuất trọng điểm cho thị trường xuất khẩu, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ số còn ở mức thấp và nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong việc áp dụng công nghệ số do đặc thù hoạt động thủ công dựa trên lao động là chủ yếu. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp da giày Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít vốn đầu tư cho công nghệ và tự động hóa và hiện còn manh mún, phát triển không tập trung gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ số.

Tỉ lệ doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ số chủ yếu tập trung ở các đơn vị lớn, đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài có lợi thế hơn với phần còn lại về quy mô, tài chính và năng lực sản xuất, nghiên cứu – phát triển. Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội da giày – túi xách Việt Nam (LEFASO), trên 70% doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và trung bình trong ngành sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. Chỉ có 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn trong nước đã ứng dụng tự động hóa theo từng công đoạn sản xuất, trong đó dưới 5% có kế hoạch triển khai công nghệ tự động hóa kết nối.

So với các doanh nghiệp có yếu tố “ngoại”, các doanh nghiệp nội vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong chuỗi cung ứng da giày Việt Nam, các doanh nghiệp FDI nắm gần như toàn bộ khâu phân phối có giá trị gia tăng cao, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn thực hiện gia công ở khâu sản xuất. Tuy chỉ chiếm khoảng 10% số doanh nghiệp hoạt động, doanh nghiệp FDI hiện đang đóng góp tới 80% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

chuyển đổi số ngành da giày
Hình 1: Mức độ tham gia của doanh nghiệp sản xuất da giày Việt trong chuỗi cung ứng

Những số liệu về bức tranh chung kể trên cho thấy, các doanh nghiệp da giày Việt Nam cần thực sự cần chuyển đổi sâu rộng và toàn diện về mặt tư duy và chiến lược, mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số và tự động hóa nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực sản xuất và cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc đáp ứng các yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức cho doanh nghiệp da giày trong nước.

Những thách thức các doanh nghiệp da giày Việt Nam gặp phải trên con đường thực hiện Chuyển đổi số:

  • Nhận thức và chiến lược về Chuyển đổi số chưa rõ ràng: Nhận thức về khái niệm, mục tiêu, lợi ích và kết quả của Chuyển đổi số còn chưa rõ. Phần lớn doanh nghiệp chưa có chiến lược và lộ trình cụ thể.
  • Nguồn lực thực hiện Chuyển đổi số trong ngành còn yếu: Nguồn lực con người trong ngày da giày chủ yếu là lao động phổ thông có trình độ chuyên môn và kỹ năng số hạn chế, năng suất lao động thấp, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Cần sự đồng thuận và cam kết cao từ phía lãnh đạo doanh nghiệp: Đa phần các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp da giày tư duy hoạt động theo truyền thống, chưa sẵn sàng và ngại thay đổi, tiếp nhận cái mới. Thiếu vai trò dẫn dắt với cam kết và ý chí cần thiết từ lãnh đạo dẫn đến thất bại trong Chuyển đổi số.
  • Quy mô các doanh nghiệp da giày còn nhỏ lẻ, manh mún: Máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất da giày lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún, hàm lượng công nghệ và tự động hóa thấp là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất.
  • Ngân sách cho hoạt động chuyển đổi số ở mức cao: Ngân sách hạn chế là thách thức vô cùng lớn, trong khi chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ và máy móc tự động hóa còn cao, cản trở việc đầu tư cho Chuyển đổi số.
  • Thiếu hụt hạ tầng và kiến trúc CNTT: Thiếu hụt kiến trúc CNTT và hạ tầng tương ứng khiến việc triển khai các phần mềm, hệ thống diễn ra manh mún, thiếu sự liên kết và liên thông về dữ liệu. Ngoài ra, việc triển khai các công nghệ mới nhất cũng yêu cầu cao về mặt kiến trúc và hạ tầng triển khai.
  • Các yêu cầu giảm phát thải ngày càng cấp thiết: Các quy định nghiêm ngặt về mức thuế carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu (CBAM của Châu Âu, Đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ) đặt ra thách thức rất lớn cho các DN trong việc ứng dụng công nghệ để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng như điện, nước trong sản xuất da giày.
  • Công nghiệp phụ trợ còn yếu gây khó khăn trong việc liên kết hệ sinh thái: Công nghiệp phụ trợ phát triển rất hạn chế khiến ngành da giày còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị nhập nhập khẩu từ bên ngoài. Điều này cản trở việc đầu tư đổi mới sản xuất, công nghệ một cách đồng bộ theo hướng tự động hóa và chuỗi cung ứng 4.0.

 

Doanh nghiệp Việt cũng có nhiều cơ hội thực hiện Chuyển đổi số nhờ sự hỗ trợ công nghệ và các chính sách của nhà nước:

  • Cách mạng 4.0 tạo ra cơ hội bứt phá nhờ ứng dụng công nghệ: Các doanh nghiệp da giày đều nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ công nghệ sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ số hóa và tự động hóa CMCN 4.0. Mục tiêu nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tránh bị tụt hậu, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trong bối cảnh chi phí lao động trong nước và giá nhập khẩu nguyên phụ liệu ngày càng tăng. CMCN 4.0 giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất và thương mại sản phẩm da giày, chuyển dịch từ mô hình gia công xuất khẩu (CMT) lên mô hình “mua nguyên liệu, bán thành phẩm xuất khẩu” (FOB), sản xuất thiết kế ban đầu (ODM), sản xuất thương hiệu gốc (OBM) tiến tới tham gia nhiều hơn vào các khâu thiết kế, thương mại trên chuỗi cung ứng nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp FDI và nâng cao tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
  • Cơ hội Chuyển đổi số với chi phí hợp lý từ các công ty công nghệ “sân nhà”: Nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ “Made in Vietnam” ứng dụng các công nghệ mới (AI, BigData, IoT) ra đời với chức năng đa dạng có ưu điểm so với các sản phẩm giải pháp nước ngoài về mặt chi phí, nguồn lực triển khai nội địa và tính phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các tập đoàn lớn về công nghệ có năng lực về tư vấn và triển khai lộ trình chuyển đổi số sát với nhu cầu và yếu tố đặc trưng của các doanh nghiệp Việt Nam, mở ra cơ hội tiếp cận Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nước nhà
  • Sự hỗ trợ đắc lực từ Chính phủ: Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số, hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Nhiều chương trình hành động Chuyển đổi số và thúc đẩy CMCN 4.0 đã được ban hành. Chính phủ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nói chung cũng như ngành da giày nói riêng.

3. Định hướng Chuyển đổi số tương lai ngành da giày​

Hiện nay, có bốn xu hướng chuyển đổi số chính có khả năng tác động sâu rộng và tạo ra những thay đổi về phương thức hoạt động và định hướng của ngành công nghiệp da giày:

3.1. Ứng dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu để giảm thời gian thiết kế và tăng độ chính xác

Nhu cầu về kiểu dáng, tính năng thông minh và thời gian nhận hàng của người tiêu dùng ngày càng cao. Đồng thời, áp lực cạnh tranh đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp da giày về giảm thời gian thiết kế, tăng độ chính xác, tiết kiệm vật liệu và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Do đó, ứng dụng công nghệ trong khâu in và thiết kế da giày là xu hướng đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng:

  • Ứng dụng công nghệ in 3D, quét laser 3D giúp chu kỳ sản xuất ngắn hơn, giảm rủi ro trong quá trinh đúc khuôn, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Qua đó mang lại lợi thế cạnh tranh nhờ phản ứng nhanh với những thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng.
  • Thu thập và phân tích dữ liệu bán hàng và phản hồi tiêu dùng nhằm lựa chọn các mẫu sản phẩm phù hợp nhất.
  • Ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) giúp kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất da giày từ thu thập yêu cầu, thiết kế, kiểm nghiệm, tới việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Công nghệ in 3D ứng dụng trong ngành da giày

3.2. Sự gia tăng nhanh chóng trong việc tự động hóa các hoạt động sản xuất

Ứng dụng công nghệ tự động hóa cho phép các doanh nghiệp sản xuất nhanh hơn, tập trung vào nhu cầu chính xác hơn và tối ưu chi phí hơn. Nhờ vào công nghệ, tốc độ sản xuất có thể được nâng cao và các doanh nghiệp có thể chủ động trong khâu lập kế hoạch trung và dài hạn cho các sản phẩm trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, xu hướng số hóa hoạt động sản xuất cung cấp góc nhìn toàn cảnh và mang lại khả năng kiểm soát hoạt động hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

  • Sử dụng Robot thực hiện một số khâu như quét keo, may chi tiết đồng bộ, cắt nguyên liệu… tiến tới tự động hóa nhà máy sản xuất.
  • Số hóa các công đoạn trên chuyền sản xuất nhằm cung cấp các thông tin trực quan về sản xuất theo thời gian thực, làm căn cứ ra quyết định điều hành sản xuất.
  • Công nghệ nano giúp các sản phẩm da giày có thể tích hợp các chức năng theo dõi sức khỏe (đo nhịp tim, lượng calo giải phóng…), hướng tới việc đưa ra các cảnh báo về sức khỏe cho người sử dụng. Đây cũng là một xu hướng được quan tâm trong tương lai.

3.3. Đa dạng kênh bán hàng và phương thức tiếp thị

Người tiêu dùng hiện đại có xu hướng mua sắm nhanh, tiện, đa dạng nhu cầu từ xem, tìm hiểu và mua sản phẩm trực tuyến tới trực tiếp. Việc đa dạng hóa các kênh bán hàng mang lại các trải nghiệm mua hàng thuận tiện nhất cho khách hàng. Bên cạnh đó, các phương thức bán hàng hiện đại cung cấp thêm các trải nghiệm cá nhân hóa sản phẩm giày dép, cá nhân hóa hành vi tiêu dùng, qua đó nâng cao mức độ gắn kết với khách hàng. Một số xu hướng công nghệ sau đây sẽ thay đổi mạnh mẽ khâu phân phối, bán lẻ và tiếp sản phẩm với trọng tâm xoay quanh trải nghiệm khách hàng:

  • Ứng dụng công nghệ tăng trải nghiệm mua hàng đáp ứng các nhu cầu mua cả trực tuyến lẫn trực tiếp tại cửa hàng, giảm thời gian giao hàng qua các mô hình như mô hình Hợp kênh (Omnichannel), Đa kênh (Multi-channel), Trực tuyến tới Trực tiếp (Online to Offline).
  • Các công nghệ hỗ trợ như AI, AR/VR,… đưa người dùng đến những thế giới hoàn toàn mới mẻ, đem lại trải nghiệm về sản phẩm một cách chân thực, hấp dẫn và mang tính đột phá trên không gian ảo.
  • Đầu tư sử dụng các công nghệ mới trong phân phối như Công nghệ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID), phần mềm quản lý cho phép người mua trực tuyến kiểm tra hàng tồn kho tại mỗi cửa hàng, mua hàng trực tuyến hoặc thanh toán tự động tại các quầy hàng khi mua hàng trực tiếp tại cửa hàng.

3.4. Phát triển một hệ sinh thái sản xuất xanh và bền vững

Các nhà sản xuất cần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm và dịch vụ bền vững trong các khía cạnh xã hội cũng như bảo vệ môi trường. Lĩnh vực da giày cũng là một trong các lĩnh vực cần tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu này. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, các nước phát triển tại Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v. – những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam – đang có những biện pháp mạnh trong việc áp thuế carbon với những mặt hàng nhập khẩu vào các quốc gia này, tiêu biểu có thể kể đến là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM) hay Đạo luật cạnh tranh sạch của Mỹ (Clean Competion act).

Do đó, các đơn vị sản xuất, gia công da giày cần xây dựng chiến lược để hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cũng như chủ động trong việc cải tổ hệ thống sản xuất và toàn bộ chuỗi giá trị đảm bảo yếu tố xanh và bền vững, giảm thiểu carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn quy định tại các thị trường xuất khẩu:

  • Việc gia tăng hàm lượng công nghệ trong thiết kế và sản xuất hướng tới mô hình nhà máy thông minh giúp tối ưu năng suất, tăng độ chính xác trong sản xuất và chất lượng thành phẩm, tránh lãng phí nguyên phụ liệu, tối ưu tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải carbon, qua đó giúp tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
  • Ứng dụng công nghệ nhằm giám sát, đo đạc, lượng hóa và chứng minh việc giảm phát thải thông qua các công cụ như cảm biến, IoT, cloud, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu… Đồng thời tối ưu việc sử dụng năng lượng bao gồm điện và nước, tiết kiệm chi phí và giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong nhà máy sản xuất giúp tiết kiệm chi phí và giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

4. Khuyến nghị cho các doanh nghiệp ngành da giày

Các doanh nghiệp nói chung và ngành da giày nói riêng cần có kế hoạch cụ thể nhằm tận dụng sự hỗ trợ của các bên liên quan cũng như xác định lộ trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm bắt kịp làn sóng chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ mới.

4.1. Xác định mức độ sẵn sàng Chuyển đổi số

Xác định mức độ sẵn sàng Chuyển đổi số (mức độ trưởng thành số) là yếu tố đầu tiên giúp doanh nghiệp định vị được hiện trạng hoạt động, các khó khăn gặp phải và khoảng cách giữa hiện tại và mục tiêu tương lai, làm nền tảng cho xây dựng lộ trình Chuyển đổi số, tuân thủ theo hướng dẫn của nhà nước.

4.2. Từng bước ứng dụng công nghệ số trong hoạt động

Dựa trên kết quả đánh giá mức độ trưởng thành số, các doanh nghiệp da giày xác định được các điểm yếu cần khắc phục. Kết hợp với các mục tiêu chiến lược nhằm đưa ra lộ trình ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực thiết kế, sản xuất, phân phối bán hàng và tận dụng dữ liệu nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh.

4.3. Hướng tới doanh nghiệp xanh & bền vững

Để đáp ứng các tiêu chuẩn về doanh nghiệp bền vững, đồng thời có thể tăng sức cạnh tranh thông qua việc tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống phát thải carbon là một hướng đi mà các doanh nghiệp da giày cần cân nhắc trong tương lai.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Báo cáo tổng kết ngành năm 2021 của Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam (LEFASO)
(2) Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Hiệp hội da giày – túi xách Việt Nam (LEFASO)
(3) Ministry of industry and trade of vietnam. 2021. Viet Nam accounts for 10% of global footwear exports for first time
(4) Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Hiệp hội da giày – túi xách Việt Nam (LEFASO)
(5) Nghiên cứu, đánh giá tác động của CMCN 4.0 đối với ngành da giầy Việt Nam, định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp phát triển ngành da giầy Việt Nam đến năm 2030 (LEFASO)

Nghiên cứu nổi bật
01. Ứng dụng tự động hóa trong thẩm định hồ sơ vay thế chấp bất động sản 02. Xây dựng chính phủ số bắt đầu từ đâu? 03. Lựa chọn kênh bán hàng trực tuyến cho các thương hiệu thời trang 04. Sản xuất tinh gọn số – Ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất tinh gọn truyền thống
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận