Tái cơ cấu và đột phá chuỗi giá trị nông nghiệp
Digital Strategy

Tái cơ cấu và đột phá chuỗi giá trị nông nghiệp

Trong một bình thường mới, diễn biến dịch Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều nước trên thế giới bên cạnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và ảnh hưởng khí hậu, ngành nông nghiệp và các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam cần nhìn nhận, đánh giá và tìm kiếm các cơ hội tái cấu trúc chuỗi giá trị trong ngành, tạo ra sự đột phá.

Để tái cơ cấu lại ngành, tạo ra các giá trị tiềm năng mới và thích ứng với những thay đổi từ thị trường, bên cạnh các hành động tái cấu trúc thị trường và tái cấu trúc sản phẩm, doanh nghiệp có thể cân nhắc hành động tái cấu trúc trong tổ chức sản xuất nông nghiệp và chuỗi giá trị nông nghiệp.

Các hành động trong tái cấu trúc tổ chức sản xuất nông nghiệp bao gồm: đầu tư vào xây dựng cơ sở hệ thống hạ tầng; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả chất lượng cũng như sức cạnh tranh của thành phẩm; công nghiệp hoá phương thức nuôi trồng, sản xuất; và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tại các khâu trong chuỗi. Trong đó, trọng tâm nằm ở vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hiện trạng chuỗi giá trị nông nghiệp

Nội dung đề cập 3 khâu chính trong chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm khâu nguyên liệu đầu vào, khâu sản xuất/chế biến và khâu thương mại.

Tại khâu nguyên liệu đầu vào

Sự bùng phát của Covid-19 đã cho thấy sự liên kết chuỗi của các doanh nghiệp nông nghiệp là rất yếu khi nguồn cung nguyên phụ liệu tới từ thị trường Trung Quốc. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng cho thấy những hạn chế của mô hình vận hành truyền thống.

Mạng lưới phân phối bị gián đoạn, khiến cho các hoạt động vận chuyển bị đình trệ và hoạt động kém hiệu quả, thiếu hụt nguyên liệu đã khiến các doanh nghiệp nông nghiệp phải nhìn nhận, đánh giá lại và tái cấu trúc chuỗi liên kết cung ứng. Với một tương lai còn chưa chắc chắn, đi kèm những rủi ro tương tự, các doanh nghiệp nông nghiệp cần cân nhắc và xem xét một chuỗi cung hoàn chỉnh trong nước, giảm thiểu sự phụ thuộc vào môi trường.

Tại khâu sản xuất/chế biến

Trong thời gian bùng dịch, các cơ sở sản xuất đã phải đóng cửa vì hạn chế cách ly và thiếu hụt nhân sự. Thích ứng và chuẩn bị cho những vấn đề tương tự, các doanh nghiệp nông nghiệp nên cân nhắc những giải pháp tự động hoá quy trình, nghiệp vụ để duy trì hoạt động liên tục. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt trong nguồn lực lao động chất lượng cao cũng là một trong những lý do khâu sản xuất, chế biến còn chưa được vận hành một cách tối ưu.

Tại khâu thương mại

Nhu cầu khách hàng về đảm bảo chất lượng sản phẩm, vốn đã có từ trước khi bùng phát dịch, ngày một gia tăng hơn trong giai đoạn bình thường mới. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam còn thực hiện sản xuất nhỏ lẻ nên còn gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu kiểm soát nguồn gốc, truy xuất thông tin hàng hoá. Trên cả nước, mới có 11-14% sản lượng nông nghiệp tiêu thụ thông qua chuỗi liên kết *.

Các hành động tiến tới sự đột phá

chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp

Tại khâu nguyên liệu đầu vào

Để giải quyết vấn đề đứt gãy của chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần tìm kiếm những nguồn cung thay thế, tìm kiếm các đối tác đồng hành trong nước và liên kết xây dựng mở rộng hệ sinh thái. Liên minh sinh thái này giúp các doanh nghiệp trở nên kết nối, giảm thiểu sự bị động vào bối cảnh bên ngoài và đảm bảo được nguồn cung trong các hoạt động sản xuất, chế biến.

Tại khâu sản xuất/chế biến

Để hoạt động sản xuất, chế biến được tiếp diễn, khi ứng phó với những rủi ro tương tự trong tương lai, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tự động hoá tại các khâu hoạt động. Bên cạnh việc hỗ trợ thích ứng với những rủi ro tương tự, việc tự động hoá tại các khâu thủ công còn mang lại những lợi ích khác trong việc tối ưu hiệu quả sản xuất, chế biến, giảm thiểu sai sót chủ quan của con người và tiết kiệm nguồn nhân lực vào các khâu quan trọng hơn.

Tại khâu thương mại

Để đáp ứng được nhu cầu về đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc thông tin, các doanh nghiệp cần cân nhắc giải pháp truy suất như Blockchain nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm, đồng thời, đảm bảo tính minh bạch trong thông tin tới các cơ sở bán hàng và khách hàng, vốn là nền tảng xây dựng sự tin tưởng và lòng trung thành ở họ.

 

Hướng tới xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp đột phá, sự tái cấu trúc tại các khâu là một hành động thiết yếu để phục hồi nhanh chóng và phát triển một cách đột phá. Một chuỗi giá trị liên kết giúp các doanh nghiệp gây dựng được những giá trị bền vững hơn cho các bên tham gia trong chuỗi cũng như xây dựng được sự gắn kết, tin tưởng trong thị trường, đối với các bên mua và khách hàng.

 

 

Nguồn tham khảo
(*) Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Group Việt Nam Bùi Hoài Linh. 2020.

Nghiên cứu nổi bật
01. Tổng quan digital marketing trong thời đại số 02. Nhân lực số: Cơ hội, tiềm năng cho doanh nghiệp phát triển 03. Ứng dụng AI trong xử lí bồi thường Bảo hiểm Phi nhân thọ 04. Thanh toán kỹ thuật số và một số xu hướng nổi bật
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận