Đi tìm hướng đi chiến lược trong một bình thường mới
Digital Strategy

Đi tìm hướng đi chiến lược trong một bình thường mới

Covid-19 đã và đang gây nên sự khủng hoảng trên toàn cầu. Trên thế giới, Covid-19 lây nhiễm trên 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với tình hình diễn biến phức tạp.

Tại Việt Nam, đất nước bước vào giai đoạn tạm ngừng cách ly xã hội và nhịp sống đang dần quay trở về bình thường mới. Tuy nhiên, những biện pháp phòng dịch vẫn sẽ được tập trung chú trọng để ngăn chặn sự bùng phát trở lại. Đây cũng là giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau khi hết dịch.

Ảnh hưởng của Covid-19 tại Việt Nam

GDP của Việt Nam trong quý I năm 2020 đạt mức 3,82%, thấp nhất trong suốt 11 năm vừa qua khi so sánh với các quý cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh có thời hạn đạt mốc 18.596 doanh nghiệp, tăng đến 26% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cũng đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua, ở mức 75,4 % so với quý trước và cũng kì năm trước là giảm 1,2 và 1,3 điểm phần trăm. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đạt mức cao 2% so với tỷ lệ cùng kỳ năm trước là 1,17% *. Có thể thấy Covid-19 đã gây nên những ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh doanh và nền kinh tế của đất nước.

Hình 1: Một số ảnh hưởng của Covid-19 tại Việt Nam*

Hiện trạng khủng hoảng Covid-19 tại Việt Nam

Việt Nam đang dần trở nên ổn định và nhịp sống đang dần quay trở lại nhịp sống đời thường, thiết lập một trạng thái bình thường mới với những thói quen mới, nhu cầu mới. Các doanh nghiệp trở lại hoạt động, vận hành bình thường, tập trung vào việc phục hồi và phát triển trở lại.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận rằng các viễn cảnh hậu khủng hoảng vẫn còn chưa chắc chắn. Mặc dù tại Việt Nam lệnh cách ly đã được nới lỏng, nhưng trên thế giới, bối cảnh khủng hoảng do đại dịch gây ra vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, cũng có các trường hợp tái nhiễm, và vaccine, miễn dịch cộng đồng vẫn chưa xuất hiện.

Trong một viễn cảnh tích cực khi Việt Nam duy trì không lây nhiễm trong cộng đồng nhưng bệnh dịch vẫn còn kéo dài trên thế giới, thì những ảnh hưởng lên nền kinh tế theo sau là rất lớn mà chưa thể lường trước. Vì vậy, các doanh nghiệp luôn phải sẵn sàng ứng phó với các kịch bản sau đại dịch từ ngắn đến dài hạn.

Góc nhìn khủng hoảng: Trở ngại và Cơ hội

Covid-19 đã gây ra sự đứt gãy trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Các đứt gãy trong hoạt động doanh nghiệp trước bình thường mới
Hình 2: Các đứt gãy trong hoạt động của doanh nghiệp

Tuy nhiên đứng trước khủng hoảng, việc cần nhìn nhận kỹ lưỡng các khía cạnh là rất cần thiết, trong đó phải kể đến tầm quan trọng của tầm nhìn lãnh đạo để có thể đưa ra các chiến lược ứng phó.

Phản ứng lại khủng hoảng trong sự bị động, nếu như doanh nghiệp chỉ lựa chọn chiến lược cắt giảm chi phí hoặc không phản ứng với sự mong đợi đại dịch sẽ sớm qua đi, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ những cơ hội thúc đẩy các giá trị chuyển đổi vượt bậc trong tương lai.

Nếu doanh nghiệp phản ứng lại khủng hoảng trong thế chủ động, doanh nghiệp nhìn nhận, nắm bắt cơ hội và có định hướng chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ có khả năng tạo ra những giá trị mới, xây dựng những điều khác biệt.

Nhưng doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, việc chuyển đổi cần gắn liền với những hoạt động vận hành kinh doanh cốt lõi để có thể xây dựng một sự chuyển đổi đúng hướng. Nhìn xa hơn, doanh nghiệp có thể xây dựng những giải pháp đảm bảo bền vững cho tương lai, khi phải đối mặt với những khủng hoảng tương tự.

Tầm nhìn lãnh đạo doanh nghiệp

Như đã được nhận định ở trên, tầm nhìn lãnh đạo đóng một vai trò quan trọng trong việc chỉ đường dẫn lối doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19 cũng như trong một bình thường mới sau khủng hoảng, làm thế nào để có thể phục hồi nhanh chóng.

Một tầm nhìn đúng giúp đưa ra những quyết định nhanh chóng và chính xác; lên kế hoạch nhằm thực hiện chiến lược và quyết định; đưa ra chiến lược phản ứng với khủng hoảng; gắn kết, truyền thông thực hiện trong toàn bộ tổ chức; dẫn dắt và cải tiến toàn bộ tổ chức để thực hiện kế hoạch. Cụ thể hơn, cốt lõi của tầm nhìn trong giai đoạn này cần bao gồm 3 yếu tố:

Hình 3: Yêu cầu của cốt lõi tầm nhìn lãnh đạo trong giai đoạn khủng hoảng

Dựa trên cốt lõi của tầm nhìn, để đưa ra một tầm nhìn lãnh đạo đúng hướng, doanh nghiệp nên đặt trọng tâm vào 3 vấn đề

Ba vấn đề nên đặt trong tâm trong giai đoạn bình thường mới
Hình 4: Ba vấn đề nên đặt trong tâm
1. Làm thế nào để duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong thời kì mà các hoạt động kinh doanh sản xuất bị gián đoạn?

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần bảo vệ, tiếp sức cho nhân viên để họ có thể duy trì làm tốt phần việc của mình. Những người nhân viên chính là những người trực tiếp tham gia và đảm bảo sự duy trì gắn kết với khách hàng và phục vụ khách hàng.

Doanh nghiệp cần nhận biết và thích ứng với những thay đổi, nhu cầu mới của con người (nhân viên và khách hàng) trong thực tại mới bằng cách đào tạo, rèn luyện đội ngũ nhân lực với những năng lực phù hợp cần thiết và đáp ứng những nhu cầu của khách hàng với sự đồng cảm. Đồng thời, việc xây dựng một văn hoá ứng biến linh hoạt trước những khủng hoảng là rất cần thiết cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

2. Nhìn nhận một cách tích cực, có những cơ hội mới tiềm năng nào doanh nghiệp có thể nắm bắt?

Doanh nghiệp nên chủ động xác định và nhận định những cơ hội mới trong thực tại mới thay vì bị động đưa ra những hành động ngắn hạn để đối phó. Doanh nghiệp nên cân nhắc một chiến thuật ứng phó dài hạn nhằm sẵn sàng cho bất cứ viễn cảnh nào của Covid-19, tối ưu những hoạt động trong doanh nghiệp không chỉ ngắn hạn mà còn dài hạn.

Một số ví dụ cho các giải pháp đảm bảo tương lai có thể kể đến bao gồm tự động hoá hoạt động giảm chi phí, tìm kiếm khách hàng mới, điều chỉnh gói dịch vụ tận dụng công nghệ số.

3. Nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện chuyển đổi như thế nào?

Dựa vào chiến thuật nắm bắt cơ hội đã được xây dựng, doanh nghiệp trở nên sẵn sàng và bắt tay vào triển khai nhanh chóng những ứng dụng trong bình thường mới, khách hàng với những thay đổi trong hành vi và nhu cầu cũng như trong tương lai dài hạn.

Trên thực tế, chuyển đổi số đã và đang được lựa chọn là một cách thức chuyển đổi để ứng phó với Covid-19 khi các doanh nghiệp đã nhìn nhận thấy những giá trị và lợi ích tiềm năng. Các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện một số giải pháp ứng dụng công nghệ số, trong đó kể đến việc chuyển dịch các hoạt động làm việc và tương tác với khách hàng từ offline sang online nhằm đảm bảo sự duy trì trong hoạt động. Đây là một trong những hành động giúp tạo đà cho chuyển đổi số toàn diện.

Như vậy, chuyển đổi số đã được lựa chọn như một cách thức để thích nghi linh hoạt với những thay đổi từ khủng hoảng Covid-19.

Chiến lược trong một bình thường mới

Hình 5: Chiến lược của doanh nghiệp trong một bình thường mới
1. Chú trọng việc bảo vệ, kết nối cộng đồng

Sức khoẻ con người là điều kiện tiên quyết để đảm bảo kinh doanh vận hành. Doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện đúng những quy định và chính sách phòng chống dịch từ chính phủ, đồng thời, đưa ra những chính sách giúp bảo vệ sức khoẻ của nhân viên và khách hàng.

Sự truyền thông rành mạch và hiệu quả về những cách thức bảo vệ bản thân, đề phòng, tránh lây nhiễm cho nhân viên, cho khách hàng và trong cộng đồng vẫn là rất quan trọng.

2. Xây dựng lối tư duy linh hoạt thích ứng trong nội bộ

Với những viễn cảnh tương lai còn chưa chắc chắn, doanh nghiệp luôn cần phải trong tâm thế đề phòng và đưa ra những hành động quyết định nhanh chóng.

Lãnh đạo cần xây dựng một tầm nhìn, nhận thức dài hạn để dẫn dắt, gắn kết toàn bộ nội bộ tổ chức hướng tới mục tiêu. Điều này đòi hỏi các thông tin về tình hình liên quan cần được cập nhật nhanh chóng để các doanh nghiệp có thể kịp thời phân tích các vấn đề để điều chỉnh và đưa ra các giải pháp.

Thành tố con người là cốt lõi trong bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp, vì thế, nhân viên trong toàn bộ tổ chức cần được trang bị thiết bị, công cụ và đào tạo với lối tư duy thích nghi dài hạn, sẵn sàng chuyển đổi để xây dựng một tổ chức với kỹ năng ứng biến linh hoạt.

3. Nâng cao mức độ hài lòng nhân viên và thúc đẩy trải nghiệm khách hàng

Với sự trang bị đầy đủ về công cụ và kĩ năng hỗ trợ làm việc, nhân viên được đảm bảo có thể làm việc trong bất cứ viễn cảnh nào của khủng hoảng. Đồng thời, trao quyền cho nhân viên để họ có thể tự thực hiện công việc cũng là một chính sách để nhân viên trở nên có trách nhiệm hơn, cảm thấy được tin tưởng hơn để có thể làm việc một cách tốt nhất.

Khi nhân viên được trao quyền, họ có thể đem tới những trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Nền tảng online sẽ là nơi để gắn kết và tương tác với khách hàng.

Khủng hoảng đã thiết lập một thói quen và hành vi mua hàng online ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, để đem tới những trải nghiệm khách hàng gắn kết trong giai đoạn khách hàng, chiến lược tiếp thị và bán hàng cần gắn với sự đồng cảm và thể hiện sự cam kết với khách hàng.

Nếu cần thiết, doanh nghiệp có thể cân nhắc điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng tại thực tại mới (nếu cần thiết).

4. Đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục

Được đề cập ở trên, để duy trì tương tác giữa các bên trong mọi hoạt động, các doanh nghiệp đã thực hiện chuyển dịch hoạt động từ Offline sang Online. Tuy nhiên đây chỉ là một hành động trong các hành động cần thực hiện để có thể đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục.

Doanh nghiệp cần xây dựng một kế hoạch kinh doanh liên tục để trở nên chủ động trong việc đối phó với khủng hoảng. Một kế hoạch kinh doanh liên tục cần kỹ càng trong việc ứng biến và loại bỏ những thủ tục rườm rà không cần thiết. Trong đó, doanh nghiệp nên tiến hành lập kế hoạch theo các kịch bản ngắn, trung và dài hạn để đánh giá tốt hơn các rủi ro và tác động tiềm ẩn.

5. Tối ưu hoá hoạt động vận hành

Song song với việc đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, doanh nghiệp sẽ tiến tới việc tối ưu hoá hoạt động vận hành. Tuy nhiên, việc tối ưu này sẽ vẫn phải gắn liền với và dựa trên kế hoạch kinh doanh liên tục. Việc tối ưu hoá sẽ là một quá trình dài hạn chứ không phải trong ngắn hạn cùng với những lối phản ứng thích nghi trong khủng hoảng.

 

Với viễn cảnh tương lai còn chưa chắc chắn của Covid-19, các lãnh đạo cần xây dựng một tầm nhìn dài hạn, đưa ra những chiến lược và hành động nhanh chóng để khôi phục và phát triển đột phá trong tương lai. Hướng về sự thay đổi phía trước, sự thích nghi và việc nắm bắt cơ hội chuyển đổi phù hợp là hai thành tố rất cần thiết để doanh nghiệp có thể duy trì sự phát triển bền vững và thành công dẫn dắt thị trường.

 

 

Nguồn tham khảo
(*) Tổng cục thống kê (2020). Tổng quan tình hình kinh tế – xã hội Quý I năm 2020.

Nghiên cứu nổi bật
01. Tầm quan trọng của quản lý vòng đời sản phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất 02. Cơ hội lớn từ thị trường tín chỉ carbon 03. Truy xuất nguồn gốc với blockchain: Từ lý thuyết đến thực tiễn 04. Định danh khách hàng bất động sản thông qua công nghệ số
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận