Blockchain đem lại sự đột phá trong ngành logistics và vận chuyển
Blockchain

Blockchain đem lại sự đột phá trong ngành logistics và vận chuyển

Sở hữu những lợi ích tiềm năng đem lại trong việc quản lý và giám sát thông tin hoạt động rõ ràng, hỗ trợ tối ưu vận hành, Blockchain là một công nghệ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giúp định hình lại thị trường ngành Logistics trong thời đại 4.0.

Tổng quan về ngành Logistics  công nghệ Blockchain  

Logistics là các hoạt động liên quan tới việc cung cấp dịch vụ, các hoạt động liên quan tới vận tải giao nhận, kho, các thủ tục hành chính hải quan, xuất nhập khẩu, bàn giao hàng qua các kênh phân phối… Ngành Logistics mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực không chỉ cho nền kinh tế của quốc gia, mà còn tạo cơ hội kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, các công ty lớn trong ngành Logistics hiện còn phụ thuộc vào EDI hay APIS nhằm trao đổi các dữ liệu xác thực an toàn, tăng tính bảo mật của hoạt động trong ngành. Nhưng điều này là nguyên nhân gây nên nhiều nhầm lẫn, gây ra hậu quả nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng khi còn quá phụ thuộc vào các hệ thống này. Chính vì thế, các tổ chức trong ngành Logistics còn gặp nhiều trở ngại như sai sót cũng như bị sai lệch về thông tin khi nhập liệu, hay các vấn đề về liên kết hệ thống. Đồng thời, sự quản lý, kiểm soát về thời gian giao hàng và chất lượng hàng hoá còn chưa được tối ưu.

Để giảm thiểu rủi ro và tối ưu những vấn đề đề cập nêu trên, công nghệ Blockchain có thể là giải pháp giúp ngành Logistics hoạt động tối ưu hơn. Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau, mở rộng theo thời gian. Các khối thông tin được liên kết với nhau, với các khối trước đó nên được gọi là chuỗi khối (Blockchain). Công nghệ này đã được nghiên cứu và thử nghiệm nhiều trong các ngành nghề, điển hình trong lĩnh vực tài chính. Trong lĩnh vực Logistics, việc ứng dụng Blockchain cũng là mối quan tâm lớn của các tập đoàn công nghệ và Logistics lớn trên thế giới.

Tìm hiểu thêm: Chuyển đổi số trong logistics: Cơ hội bứt phá sau đại dịch

Lợi ích mà công nghệ Blockchain mang lại cho ngành Logistics 

Để thúc đẩy việc tối ưu hóa hoạt động trong ngành Logistics với thông tin lưu trữ dữ liệu liên kết xuyên suốt trong tương lai, hiện nay chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm cho phép doanh nghiệp và tư nhân hoạt động và cung cấp dịch vụ, sản phẩm dựa trên Blockchain. Điển hình như:

1. Blockchain dùng để xác thực dữ liệu dễ dàng

Trong tương lai, với sự hỗ trợ của Blockchain, toàn bộ mạng lưới cung cấp dữ liệu sẽ được tổ chức một cách rõ ràng hơn. Các dữ liệu trên nền tảng Blockchain giúp nâng cao tính minh bạch của dữ liệu, giúp việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trở nên dễ dàng hơn thay vì phụ thuộc quá nhiều vào EDI hay APIS. Tính xác thực và hợp pháp của sản phẩm sẽ không thể thay đổi trong hệ thống Blockchain mà chưa được sự cho phép bởi các bên liên quan như nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán hàng nhằm kiểm chứng về dòng chảy cung ứng.

Một ví dụ minh chứng cho việc ứng dụng Blockchain xác thực dữ liệu dễ dàng hơn đó là Tradelens. TradeLens là hệ sinh thái được kết nối giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng, bao gồm chủ hàng, hãng vận tải biển và nội địa, nhà giao nhận và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần, cảng và nhà ga, cơ quan hải quan. Nền tảng TradeLens được các hãng cung ứng vận chuyển sử dụng nhằm theo dõi dữ liệu quan trọng của lô hàng ở một chuỗi cung ứng tại thời gian thực, đồng thời tạo ra bản lưu trữ dữ liệu phi tập trung và bất biến. Khi được tích hợp thêm IoT, nền tảng sẽ còn mang lại nhiều lợi ích hơn cho các đối tác thương mại, đặc biệt trong ngành Logistics.

2. Blockchain kết hợp với AI và IoT để giám sát sức chứa vận chuyển

Kết hợp với IoT và AI, Blockchain sẽ tăng tính hiệu quả một cách mạnh mẽ, và trở nên hữu ích trong việc giám sát sức chứa vận chuyển. Cụ thể, cảm biến IoT gắn trong các phương tiện vận tải giúp đơn vị vận chuyển xác định được không gian chiếm dụng của các lô hàng, để từ đó xác định phương tiện vận tải phù hợp, mức giá phù hợp. Công nghệ Blockchain giúp duy trì tính vẹn toàn của sản phẩm có giá trị đang trên đường vận chuyển, đồng thời, ghi lại toàn bộ dữ liệu một cách an toàn trong toàn bộ quá trình vận chuyển. Các dữ liệu thông tin này được truyền tức thì tới hệ thống Blockchain giúp các bên liên quan theo dõi, giám sát an toàn và chính xác sức chứa vận tải.

Ví dụ cho việc ứng dụng này là Skycell, một công ty công nghệ cao có trụ sở tại Thụy Sĩ. Skycell tạo ra công nghệ giúp giám sát sức chứa của các thùng hàng vận chuyển thông qua đường hàng không hỗ trợ bởi công nghệ Blockchain kết hợp với IoT và AI, được đặc biệt sử dụng cho ngành dược phẩm sinh học. Bằng cách gắn các cảm biến thông minh vào các thùng hàng, Skycell có thể giám sát được sức chứa vận chuyển của các thùng và các lô hàng. Công nghệ này là một giải pháp giúp các đối tác trong ngành Logistics xác định được chi phí dựa trên sức chứa vận chuyển.

3. Blockchain theo dõi lịch sử hoạt động của phương tiện vận chuyển

Không chỉ giúp xác định được sức chứa hàng hoá của từng phương tiện vận chuyển, Blockchain cũng được áp dụng để giám sát lịch sử hoạt động của từng phương tiện. Dựa vào các thông số, thông tin đã được lưu trữ trên hệ thống Blockchain, công nghệ Blockchain có thể theo dõi, xác thực thông tin về hiệu suất, lịch sử bảo trì của phương tiện vận tải. Điều này giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp về vận chuyển giao hàng và logistics xác định được mức độ quy chuẩn của phương tiện để lựa chọn cho vận chuyển hàng hoá.

Một dẫn chứng thực tế cho thấy công nghệ blockchain có thể theo dõi lịch sử hoạt động của các phương tiện vận chuyển là Vinchan. Đây là một cơ sở dữ liệu toàn cầu, phi tập trung về thông tin xe, hoàn toàn minh bạch, đáng tin cậy và có thể truy cập được. Thông tin xe được chứng nhận từ cơ quan đăng ký quốc gia, công ty bảo hiểm và cho thuê, công ty dịch vụ, đăng ký tư nhân, API và các thành viên tin cậy khác. Dữ liệu được ghi lại trực tiếp từ thiết bị chuẩn đoán trên xe (OBD), bởi thế, dữ liệu và tình trạng xe được cập nhật theo thời gian thực, đảm bảo thông tin không bị làm sai lệch, thay đổi, loại bỏ nhằm tạo ra hệ thống minh bạch và đáng tin cậy.

 

4. Blockchain và IoT kết hợp với V2V nhằm vận hành sự liên lạc giữa phương tiện và phương tiện

Hiện nay, đã có nhiều công ty trong ngành triển khai công cụ V2V (Vehicle to Vehicle Communications) giúp nhiều phương tiện vận tải liên lạc với nhau giống như một đội. Bởi thế, khi Blockchain cùng IoT kết hợp với V2V, hỗ trợ việc lưu trữ dữ liệu và liên kết liên lạc giữa các phương tiện sẽ giúp hợp lý hoá hoạt động vận chuyển ở quy mô toàn cầu. Ví dụ như sắp xếp dữ liệu các cuộc hội thoại này một cách hợp lý, giúp chúng được bảo mật, minh bạch để hoạt động vận chuyển trở nên an toàn hơn.

Ví dụ cho việc ứng dụng này là tập đoàn công nghệ Peloton (1), tập đoàn đã sử dụng công nghệ Blockchain để giúp cải thiện giao tiếp giữa các phương tiện (V2V). Do có kết nối điện tử tức thì, các xe tải chung đội thực hiện các thao tác phanh hoặc tăng tốc như một khối duy nhất, vận chuyển như một khối an toàn, liên kết cao. Ví dụ, trong một đội xe trên hành trình vận chuyển, khi tài xế phía trước thực hiện phanh xe hoặc giảm tốc độ, các xe sau sẽ tự động phanh, giảm để duy trì khoảng cách an toàn, không đổi giữa các xe. Điều này không chỉ làm tăng khả năng phối hợp hoặc hoạt động theo nhóm của các tài xế, mà còn tránh rủi ro va chạm khi thắng gấp của các phương tiện trong quá trình di chuyển.

5. Blockchain Smart Contract giúp giảm chi phí, loại bỏ lỗi và các thủ tục trung gian

Tình trạng các bên trung gian can thiệp vào hoạt động vận chuyển hàng hoá, cũng như các thủ tục hành chính như thuế quan, điều khoản hợp đồng là không hề mới trong ngành logistics. Theo thống kê, các bên bán trong ngành logistics thường phải chờ trung bình 42 ngày mới nhận được khoản thanh toán. Bởi thế, Blockchain khi ứng dụng trong ngành Logistics sẽ mang lại nhiều lợi ích điển hình như việc tự động hoá giao dịch khi các hợp đồng thông minh được mã hoá qua Blockchain. Blockchain giúp người mua và bán xác minh lô hàng qua blockchain và giúp người mua có thể chuyển các khoản thanh toán tự động cho bên bán mà không cần tác động của bên thứ ba. Chính điều này cũng đồng thời giúp giảm sự can thiệp của các bên trung gian vào quá trình thực hiện giao dịch, đồng thời, cắt giảm chi phí cũng như rút ngắn thời gian hoàn thành giao dịch. Ứng dụng Blockchain, việc thanh khoản trở nên trôi chảy, nhanh chóng hơn khi mất chỉ 1-2 ngày (2).

Sweetbridge là một ví dụ trong ứng dụng này của Blockchain, là công nghệ cung cấp sự đảm bảo liên tục về dữ liệu, hỗ trợ tiêu chuẩn hóa, tự động hóa việc kiểm tra và xác nhận mọi hoạt động trong chuỗi giá trị trong thời gian thực. Các doanh nghiệp lớn với chuỗi giá trị phức tạp như các tổ chức tài chính với hàng triệu khách hàng, hoặc các tổ chức chính phủ muốn cải thiện các luật lệ điều khoản… có thể sử dụng Sweetbridge để xử lý các lỗi gian lận, đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động và giảm chi phí.

logistic, blockchain
Những lợi ích chính đem lại trong ngành Logistics từ việc ứng dụng Blockchain và 5 ví dụ doanh nghiệp

Một ví dụ câu chuyện thực tế: IBM Food Trust

Năm 2017, IBM cùng hợp tác với 10 nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm bao gồm Dole, Driscoll’s, Golden State Foods, Kroger, McCormick and Company, McLane Company, Nestlé, Tyson Foods, Unilever và Walmart – nhằm cung cấp cho tất cả các bên tham gia quyền truy cập vào các hồ sơ minh bạch liên quan đến nguồn gốc thực phẩm, tình trạng vận chuyển, tình trạng vị trí, cũng như xác định các nguồn ô nhiễm thông qua ứng dụng công nghệ Blockchain.

Tính tới năm 2017, đã có hơn 350.000 giao dịch dữ liệu thực phẩm trên nền tảng IBM Food Trust, bởi các giao dịch trên nền tảng Blockchain có tính liên kết dữ liệu cao, chính xác, khiến các giao dịch và nguồn gốc sản phẩm minh bạch và đáng tin cậy. Thực phẩm có thể nhanh chóng được truy nguồn gốc, thông tin vận chuyển trong vòng vài giây, thay vì mất vài ngày hoặc vài tuần để truy cập vào cơ sở dữ liệu truyền thống. Những mặt hàng này đại diện cho hàng chục mặt hàng thực phẩm riêng lẻ, từ rau, thịt, đến gia vị, trái cây, nước ngọt… IBM cho rằng ứng dụng công nghệ blockchain có thể giảm chi phí thu hồi sản phẩm trung bình lên đến 80%. (3)

 

Công nghệ ngày càng phát triển giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực, ngành nghề đa dạng, không chỉ riêng trong ngành Logistics. Nhận ra được xu hướng quan trọng này, các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang cố gắng pháp lý hoá chính thức các thể chế liên quan đến dịch vụ và sản phẩm dựa trên công nghệ blockchain. Để đón nhận công nghệ mới nổi này nhanh chóng, các doanh nghiệp cần phải tăng cường nhận thức, thay đổi tư tưởng nhằm định hình lại thị trường ngành Logistics trong thời đại 4.0.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Peloton. n.d. V2V Communication in Platooning
(2) Winnesota. 2020. How Blockchain is revolutionizing the world of transporation and logistics?
(3) Forbes. 2017. Understanding how IBM and others use Blockchain technology to track global food supply chain.

Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi số cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp phát triển  02. Chuyển đổi số kỹ thuật trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng 03. Tương lai chuyển đổi số của sản xuất hàng tiêu dùng (FMCG, F&B, CPG) 04. Mô hình kinh doanh mới trong nông nghiệp
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận