Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam: hiện trạng bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ
Digital Strategy

Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam: hiện trạng bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ

Tại Việt Nam, số lượng sáng chế xin đăng ký sở hữu trí tuệ đang ngày càng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của nhà nước bởi đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI). Bên cạnh tiêu chí về số lượng, thì nhà nước cũng tạo điều kiện cho các sáng kiến được phát triển và ứng dụng rộng rãi, hướng đến sự phát triển chung.

Là một đất nước không có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, lại có lịch sử chiến tranh khốc liệt, ngày nay Israel đã trở thành một trong những nước phát triển hàng đầu thế giới với chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII đứng thứ 15 và chỉ số GDP bình quân đầu người đứng top 20 thế giới.

Nền kinh tế Hàn Quốc cũng hiện là một trong 20 nền kinh tế lớn trong G-20. Sự đầu tư vào giáo dục và công nghệ đã giúp Hàn Quốc xóa nạn mù chữ, phát triển các đế chế sản xuất máy móc, thiết bị điện tử hàng đầu như Samsung, Hyundai, LG,… và trở thành một cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Các câu chuyện thành công của Israel, Hàn Quốc hay thậm chí Trung Quốc, Mỹ,… là những minh chứng rằng một quốc gia có sáng tạo, có đổi mới thì mới trở thành một quốc gia giàu mạnh.

Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Quá trình phát triển kinh tế xã hội và bối cảnh hội nhập đã đặt ra yêu cầu đánh giá, rà soát và sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo điều kiện phát triển tối ưu cho người dân và doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mặc dù Cục Sở hữu trí tuệ được thành lập từ năm 1982 nhưng phải đến năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ mới lần đầu được thi hành. Từ đó đến nay, bộ luật đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.

Trong suốt 16 năm, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ như sửa đổi bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009, 2019 và mới đây nhất, vào tháng 4/2021, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Luật Sở hữu trí tuệ – Những hạn chế, bất cập và định hướng sửa đổi, bổ sung” để chủ động thúc đẩy hơn nữa công cuộc đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ quốc gia.

Bên cạnh các sửa đổi về Luật Sở hữu trí tuệ, Thủ tướng chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 với các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và xã hội về tầm quan trọng cũng nâng cao hiệu quả khai thác của tài sản trí tuệ. Nhờ đó, nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ trên địa bàn, và thực hiện triển khai lồng ghép với các chính sách phát triển kinh tế – xã hội cụ thể của địa phương.

Các bước tiến đến tự động hóa đầu tiên trong khai thác tài sản trí tuệ

Bên cạnh hệ thống pháp luật và quy định về bảo vệ và nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ thì không thể thiếu sự đóng góp của các quy trình đang ngày càng được triển khai theo hướng tự động hóa nhờ ứng dụng công nghệ số. Từ đó đẩy nhanh thời gian đồng thời giảm các rủi ro liên quan đến việc đưa sáng kiến ra thị trường.

Năm 2000, Cục Sở hữu trí tuệ hợp tác với Chính phủ Nhật chính thức khai trương dự án MOIPA – Dự án Hiện đại hóa quản trị sở hữu công nghiệp được xây dựng nhằm cải tiến công nghệ xử lý các đơn đăng ký Sở hữu công nghiệp và hạn chế các sai sót trong quá trình xử lý đơn.

Sự thành công của dự án MOIPA là động lực thúc đẩy Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục thực hiện thành công các dự án tiếp theo cũng do Chính phủ Nhật bản tài trợ đó là Dự án UTIPINFO “Ứng dụng thông tin Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” (2005-2009), Dự án “Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” (tháng 6/2012- tháng 3/2017) với những kết quả đáng ghi nhận đối với hệ thống thực thi quyền SHTT của Việt Nam và Dự án “Nâng cao năng lực xử lý đơn SHCN tại Cục Sở hữu trí tuệ” (tháng 5/2021 – tháng 3/2023) mà hai bên đang hợp tác triển khai.

Sắp tới, khối Nhãn hiệu cũng sẽ triển khai sử dụng các công cụ tra cứu trên nền tảng trí tuệ nhân tạo để đẩy nhanh tốc độ tra cứu phục vụ thẩm định, nghiên cứu xây dựng Bảng mã hàng hóa, dịch vụ tương tự và một số giải pháp khác để tăng năng suất đồng thời đảm bảo chất lượng xử lý đơn.

Sự thành công của dự án MOIPA đã đặt nhưng viên gạch đầu tiên hay nền móng cho việc tích hợp dữ liệu khoa học công nghệ và chuyển đổi số mà Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Techmart – công cụ khai thác tài sản trí tuệ trong thời đại mới

Techmart là gì?

Chợ công nghệ và thiết bị hay Techmart là một trong những công cụ giúp thúc đẩy quá trình giới thiệu và ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo vào trong thực tế. Mục đích của Techmart nhằm hỗ trợ cho các đơn vị có công nghệ, thiết bị chào bán cũng như các đơn vị có nhu cầu tìm mua công nghệ, thiết bị, gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi trực tuyến và thực hiện giao dịch mua bán công nghệ thuận lợi , hợp pháp, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho đơn vị sáng chế.

Tương tự như các mô hình “chợ” khác, Techmart trước đây thường được tổ chức dưới dạng hội chợ nhưng gần đây, với sự phổ biến của CNTT và nhằm mở rộng giới hạn về không gian và thời gian giao dịch, Techmart cũng đã xuất hiện dưới hình thức sàn giao dịch trực tuyến. Đây là một mô hình tương đối phổ biến trên thế giới với nhiều nền tảng kỹ thuật khác nhau, tùy theo thị trường, lĩnh vực, kỹ năng trong việc cung cấp và yêu cầu công nghệ hoặc bằng sáng chế cũng như các cộng đồng chuyên gia khác nhau.

Tuy có nhiều nền tảng khác nhau nhưng về cơ bản, các chợ công nghệ và thiết bị Techmart online có một số chức năng chính như sau:

Công cụ khai thác sở hữu trí tuệ - Techmart
Hình 1: 4 chức năng cơ bản của Techmart
  • Giới thiệu, trưng bày công nghệ, thiết bị mới ra mắt thị trường, nhằm giảm chi phí quảng cáo tiếp thị cho các đơn vị và gia tăng khả năng tiếp cận với các đối tác quan tâm và có nhu cầu.
  • Sàn giao dịch về công nghệ, thiết bị và tư vấn KH&CN: Các tổ chức, cá nhân có thể tìm đối tác, bạn hàng mua và bán công nghệ, thiết bị, tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng, trao đổi với các chuyên gia KH&CN về các lĩnh vực quan tâm. Một số nền tảng giao dịch công nghệ và tìm kiếm đối tác tiêu biểu trên thế giới bao gồm Patent Auction, Innoget, Yet2 marketplace, v.v.
  • Hỗ trợ các đơn vị cập nhật thông tin mới nhất về KH&CN, các kết quả nghiên cứu KH&CN thông qua liên tục cập nhật thông tin thị trường công nghệ, văn bản pháp quy, các chính sách hỗ trợ kết nối sâu sắc với các đối tác, các chuyên gia tư vấn. iBridge Network là một trong những nền tảng công nghệ hoàn chỉnh nhất trên thế giới nhờ giới thiệu công nghệ đột phá mới từ các trung tâm nghiên cứu tới các công ty công nghệ và các doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện cùng hợp tác và phát triển dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo theo nhu cầu của thị trường.
  • Diễn đàn chuyển giao và đổi mới công nghệ: tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỏi đáp về những vấn đề quan tâm. Enterprise Europe Network là một diễn đàn như vậy với tầm hoạt động trên toàn thế giới với sự tham gia, chia sẻ, cung cấp dịch vụ tư vấn của các chuyên gia, các tổ chức trong lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu, giáo dục cũng như Chính phủ như các phòng thương mại và công nghiệp của các quốc gia.

Mô hình Techmart tại Việt Nam

Bên cạnh việc thúc đẩy bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030. Do đó, mô hình Techmart tại Việt Nam cũng đang dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây.

Dù Chợ Công nghệ và thiết bị đã được tổ chức trực tiếp hơn 10 năm nay, phải đến gần đây, vào ngày 25/11/2021, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ mới chính thức khai trương sàn giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị trực tuyến tại địa chỉ techmartvietnam.vn nhằm mở rộng không gian và thời gian trao đổi, giao dịch, tư vấn giữa các cá nhân, tổ chức, từ đó góp phần giúp xúc tiến giao dịch các sản phẩm nghiên cứu, thiết bị kỹ thuật, góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng thêm triển lãm công nghệ trực tuyến http://www.techmartvietnam.vn Ngoài techmartvietnam.vn, nhiều địa phương cũng triển khai nền tảng Techmart riêng như Bình Định (sancongnghe.binhdinh.vn), Quảng Nam (techmart.skhcn.quangnam.gov.vn),…

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 17/04/2024

Tuy nhiên, các nền tảng này hiện chưa phát huy được tối đa khả năng bởi sự chồng chéo và phân mảnh của các nền tảng này. Bên cạnh đó, sự thiếu đầu tư trong việc phát triển nền tảng cũng như thúc đẩy, khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia cũng góp phần khiến cho các nền tảng này chưa được thường xuyên sử dụng.

Để gia tăng mức độ hiệu quả, nhà nước cần thấu hiểu nhu cầu sử dụng Techmart, từ đó đầu tư, hoàn thiện nền tảng phù hợp với nhu cầu, đồng thời cần tích cực truyền thông, khuyến khích doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu tham gia đóng góp, xây dựng. Bên cạnh đó, các nền tảng Techmart cũng nên hướng đến mô hình hợp nhất quốc gia, thậm chí quốc tế thay vì địa phương nhằm mở rộng số lượng, chất lượng của các sản phẩm trí tuệ, tạo điều kiện giới thiệu cho thị trường thế giới.

Việt Nam đang chuyển mạnh sang chặng đường tạo ra thật nhiều “tài sản trí tuệ” để phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Do đó cần tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, bằng cách đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ cũng như bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

 

Nguồn tham khảo
(1) Thuvienphapluat. 2019 Luật sở hữu trí tuệ
(2) IP Vietnam. 2021 Những bước đi đầu tiên trên chặng đường tự động hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ

Nghiên cứu nổi bật
01. Kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng và định hướng triển khai 02. Xây dựng tương lai ngành bán lẻ với trải nghiệm thương mại hợp nhất 03. Sản xuất tinh gọn, nền tảng và sự chuyển mình trong thời đại công nghệ số 04. AI, Tương lai của ngành sản xuất
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận