Quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
Digital Strategy

Quản lý đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Trong môi trường kinh doanh biến động nhanh, linh hoạt và tính cạnh tranh cao, đổi mới sáng tạo được coi là chiến lược khác biệt hóa quan trọng để có được lợi thế của doanh nghiệp.

Nhìn lại lịch sử, hầu hết các doanh nghiệp phát triển lâu đời đều sở hữu nguồn nhân sự có tính sáng tạo đổi mới rất cao, như Microsoft, Apple, Intel. Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại đã bắt nhịp với đà tăng về chỉ số Đổi mới sáng tạo của thế giới (trong bảng xếp hạng GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế và coi đổi mới sáng tạo là ưu tiên quốc gia) (1).

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cần được quản lý đúng phương hướng để có thể tạo ra một nền văn hóa sáng tạo, không bỏ lỡ các cơ hội phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đổi mới và quản lý đổi mới

Đổi mới sáng tạo là nguồn tạo ra tri thức để cải thiện các quy trình và cấu trúc kinh doanh nội bộ, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ theo định hướng thị trường mang lại kết quả kinh doanh mới. Tuy đổi mới hiện là ưu tiên hàng đầu nhưng xác định đúng phương hướng, phát triển và triển khai những ý tưởng có giá trị nhất, mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất thì hoàn toàn không dễ.

Tiếp cận theo mạch hoạt động theo chuỗi giá trị, có hai loại hình đổi mới mà doanh nghiệp nào cũng cần xây dựng và phát triển là đổi mới sản phẩm và đổi mới quy trình. Đổi mới sản phẩm là những thay đổi hoặc tính năng mới của sản phẩm hoặc dịch vụ, trong khi đổi mới quy trình đề cập đến thay đổi trong phương pháp hoặc quy trình vận hành. Hai loại này cũng cần được kết nối với nhau để có thể vừa cải tiến sản phẩm đồng thời giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy quá trình phân phối hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu nhanh hơn, tăng doanh thu.

Theo hướng tiếp cận về tính đổi mới sáng tạo, sẽ phân loại theo đổi mới gia tăng hoặc đổi mới đột phá.

  • Đổi mới gia tăng: là đổi mới liên quan đến việc thực hiện các cải tiến nhất quán đối với sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có theo thời gian, như giảm chi phí, bổ sung các tính năng mới, triển khai các cách để làm cho sản phẩm hoặc dịch vụ dễ tiếp cận hơn với khách hàng. Sự đổi mới gia tăng có thể dễ dàng nhận thấy nhất trong các bản cập nhật phần mềm, trong đó các phiên bản mới cung cấp các tính năng được xây dựng dựa trên bản cũ do nhu cầu của người tiêu dùng.
  • Đổi mới đột phá: là những đổi mới đề cập đến một công nghệ có ứng dụng ảnh hưởng đáng kể đến cách thức hoạt động của thị trường hoặc ngành kinh doanh.
  • Đổi mới đột phá liên quan đến việc thực hiện những thay đổi táo bạo hơn mang nhiều rủi ro hơn nhưng cũng có khả năng thu được nhiều lợi nhuận hơn. Do rủi ro lớn hơn nên các doanh nghiệp lớn hơn thường bỏ qua sự đổi mới đột phá, mặc dù lịch sử đã chỉ ra những đổi mới mang tính cách mạng, bảo vệ doanh nghiệp lâu dài chính bằng những đổi mới đột phá.
  • Có thể kể đến câu chuyện về sản phẩm băng keo 3M: băng dính keo của 3M đã không được công ty ưu tiên phát triển khi đó chỉ là ý tưởng của một anh nhân viên phòng thí nghiệm, nhưng sau đó thì đây là sản phẩm chủ lực của 3M suốt 9 thập kỷ qua.

Dù tiếp cận theo hướng nào cũng cần xây dựng các danh mục để quản lý đổi mới sáng tạo, điều quan trọng là phải xem xét kỹ lưỡng từng mục để tối ưu hóa các nỗ lực quản lý đổi mới ở tất cả các cấp của doanh nghiệp. Quản lý đổi mới là quá trình có hệ thống tổ chức các hoạt động đổi mới trong toàn bộ doanh nghiệp. Nó cũng có thể đảm bảo các mục tiêu đổi mới phức tạp, quy mô lớn được chia nhỏ thành các mục tiêu có thể quản lý được mà các nhóm người tham gia khác nhau có thể tập trung vào.

Thường thì nguồn sáng tạo tốt nhất thực sự nằm trong chính các cấp nhân sự, do đó doanh nghiệp cần thúc đẩy một số yếu tố như thúc đẩy văn hóa đổi mới trong nội bộ, nhằm đạt tới cả đổi mới đột phá và gia tăng, tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị thông qua chuyển đổi số hiệu quả, v.v

7 yếu tố thành công để quản lý đổi mới

quản lý đổi mới
Hình 1: 7 yếu tố thành công để quản lý đổi mới. Nguồn: FPT Digital
1. Xác định chiến lược đổi mới

Việc xác định rõ ràng điểm khởi đầu và con đường đi tới mục tiêu kỳ vọng thường được thông qua câu hỏi đầu tiên là “Tại sao chúng ta phải đổi mới? Chúng ta cần đổi mới những gì và bằng cách nào? Toàn thể chúng ta cần đổi mới nhưng lực lượng nào cần cấp bách ngay và lộ trình như thể nào?” v.v.

Khi đó, không chỉ tiềm năng dần được nhìn thấy mà các lý do và sự cấp thiết dần dần được bóc tách để đưa ra những lộ trình rõ ràng và khả thi. Sẽ không ai thấy phải thay đổi nếu không nhận ra sự khẩn cấp về thời hạn và nỗ lực để đạt mục tiêu.

2. Quản lý các nguồn lực triển khai

Sau khi xác định chiến lược và lộ trình thì cần đưa ra kế hoạch triển khai. Các cấp nhân sự cần tham gia vào quá trình này để đảm bảo tính đồng thuận. Tất cả đều hiểu lý do và mục tiêu của sự đổi mới. Để làm việc theo các nguyên tắc quản lý đổi mới hiệu quả nhất, có một số điều tiên quyết như sau:

  • Quản lý triển khai chiến lược hiệu quả
  • KPI được liên kết với sự đổi mới cho các nhà quản lý từ cấp trung
  • Có đủ ngân sách và nguồn lực
  • Liên kết các chức năng liên phòng ban
  • Thay đổi văn hóa khuyến khích và hỗ trợ sự đổi mới
  • Sẵn sàng thử nghiệm và học hỏi, chấp nhận rủi ro

Nếu tổ chức không có các điều kiện tiên quyết phù hợp thì sẽ rất khó để thực sự bắt đầu triển khai các kiến thức mới thu được.

3. Đảm bảo minh bạch và cung cấp thông tin chi tiết

Do các bộ phận có thể làm việc cục bộ, nhất là khi họ làm việc trên nhiều vùng địa lý khác nhau thì thường khó nắm bắt về tổng quan thực sự. Không có cái nhìn tổng quan phù hợp khiến công việc sẽ phải hoàn thành gấp bội bởi nếu bạn không biết đồng nghiệp của mình tại đơn vị khác đang thực hiện cùng một thách thức, bạn sẽ không biết đến để kết nối hợp tác nhằm giảm được công sức và chi phí triển khai.

Để cung cấp sự minh bạch, sẽ cần bắt đầu phân loại để mọi người có thể dễ dàng tìm kiếm và tìm thấy loại dự án họ đang tìm kiếm. Đây là điểm khởi đầu cho việc quản lý danh mục đầu tư đổi mới. FPT Digital đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp triển khai Innovation Hub – một cổng kết nối về sáng tạo đổi mới cho toàn bộ các cấp nhân sự trong tổ chức.

4. Áp dụng quy trình phát triển

Cần phân biệt giữa phát triển sản phẩm “tiêu chuẩn” cho các dự án ít rủi ro hơn và “cải tiến mới” cho các dự án có nhiều biến đổi đột phá hơn. Điều quan trọng là tập trung quy trình để có kết quả chứ không phải đảm bảo cho hoạt động. Nói cách khác, thường sẽ xây dựng khung để những ý tưởng mới mẻ có không gian thử nghiệm, chứ không chỉ là những bước quy trình cứng nhắc hướng đến những ý tưởng an toàn.

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 26/04/2024
5. Phát triển mở rộng

Có một thực tế là những ý tưởng tốt nhất, khả thi nhất có thể không đến từ cấp quản lý, mà từ những người trong lĩnh vực tương tác với khách hàng và các bên liên quan khác. Để phát huy tính sáng tạo, với những góc nhìn đa chiều, mở rộng tầm nhìn, cần phải làm việc với các nhóm đa dạng và đa chức năng.

Nhóm phải có khả năng đi đúng vị trí của những người dùng tương lai của họ và hiểu sâu sắc về những thách thức mà người dùng phải đối mặt. Đồng thời, doanh nghiệp cần tổ chức tốt hơn để tìm nguồn ý tưởng từ các kênh nội bộ (nhân viên) và bên ngoài (khách hàng, nhà cung cấp, đối tác, v.v). Ví dụ bộ công cụ Innovation Hub của FPT Digital được mở cho tất cả các nhân viên và các bên liên quan có thể truy cập 24/7 để thu hút mọi ý tưởng sáng tạo mọi lúc mọi nơi một cách dễ dàng.

6. Thể chế hóa ý tưởng thành công

Thay đổi của một doanh nghiệp đòi hỏi sự nỗ lực của cả tập thể, những thành công cần được chính sách bảo vệ và củng cố. Thể chế hóa “lộ trình” cũng như việc thực hiện quá trình đó luôn phải lấy tiêu chí “liên tục cải tiến” làm ưu tiên hàng đầu. Từ đó giúp doanh nghiệp luôn phát triển được kho sáng kiến, cũng như neo giữ chúng lâu dài, trở thành tài sản vô hình rất quý giá của doanh nghiệp.

7. Kiểm soát và điều chỉnh

Quá trình đổi mới có điểm khởi đầu luôn là quy trình hiện có và các phương pháp tốt nhất trong tổ chức. Nhưng tiếp theo sẽ sử dụng đó chỉ như là thông tin đầu vào để có thể đổi mới tạo ra một quy trình mới tốt hơn nữa. Cuối cùng là lắng nghe phản hồi và lặp lại để điều chỉnh. Thực hiện tất cả những điều này cần có thời gian để cải thiện hoặc điều chỉnh các quy trình đã khai thác.

Đổi mới sáng tạo sẽ tối ưu và phát triển các nguồn lực mới trong chương trình chuyển đổi số toàn diện giúp doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản, nguồn nhân lực số, tăng năng suất, giám sát hiệu quả hơn quá trình sản xuất và bảo trì sản phẩm cũng như chuyển đổi mô hình kinh doanh mới từ chính các ngành sản xuất kinh doanh truyền thống của mình.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Bộ KH&CN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021: Việt Nam dẫn đầu nhóm các quốc gia cùng mức thu nhập

Nghiên cứu nổi bật
01. Truy xuất nguồn gốc với blockchain: Từ lý thuyết đến thực tiễn 02. Ứng dụng công nghệ số trong cuộc cách mạng xanh hoá ngành thép 03. Thúc đẩy sự tăng trưởng ngành thép nhờ ứng dụng AI 04. Phát triển du lịch thông minh nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận