Chuyển đổi số doanh nghiệp có vốn Nhà nước: cần có một lộ trình khác biệt
Digital Strategy

Chuyển đổi số doanh nghiệp có vốn Nhà nước: cần có một lộ trình khác biệt

Quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra một cách mạnh mẽ, đặc biệt trong khối các cơ quan và các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng tới năm 2030”. Trong đó, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Các mục tiêu trọng yếu của chương trình này bao gồm 03 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Có thể nói, với sự dẫn dắt đầu tàu của Chính phủ, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng đang mạnh mẽ tiến hành các hoạt động chuyển đổi số như tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tập đoàn Dầu Khí (PVN), tập đoàn Than khoáng sản (TKV), tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT),… Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số yếu tố đặc thù về chuyển đổi số trong mô hình quản lý giữa các Tổng công ty có vốn Nhà nước và các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Hạ tầng của chuyển đổi số quốc gia và ứng dụng chuyển đổi số

Chính phủ đã phê duyệt nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng của thế hệ mới trong 10 năm tiếp theo để phát triển Chính phủ số, kinh tế số và Xã hội số. Không chỉ vậy, những lĩnh vực về dịch vụ, thương mại, thanh toán điện tử đã phát triển mạnh mẽ cùng quá trình chuyển đổi số tại các ngân hàng và các tổ chức trung gian.

Bộ Thông tin truyền thông đã phát động phong trào “Make in Việt Nam” để các doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái ứng dụng cung cấp cho khách hàng sự trải nghiệm thuận tiện, mở rộng cùng các nền tảng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, trợ lý ảo,… Hầu hết các Tổng công ty và doanh nghiệp có vốn Nhà nước đều được hưởng lợi từ các chương trình này và sự hỗ trợ của các đơn vị chủ quản.

Quá trình số hóa giấy tờ, xây dựng các văn phòng không giấy, ứng dụng nhiều công nghệ và giải pháp số vào để thực hiện quá trình làm việc trực tuyến, giao dịch, hợp đồng trực tuyến, chữ ký điện tử,… được ứng dụng một cách mạnh mẽ, đặc biệt quá trình này đã phát huy tác dụng rõ rệt trong thời kỳ giãn cách do dịch Covid trong 02 năm vừa qua.

Các Tổng công ty và doanh nghiệp có vốn Nhà nước có nhiều lợi thế trong quá trình ứng dụng số hóa bởi lẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị này đã diễn ra nhiều năm, nền tảng công nghệ và các quy trình, quy định, thủ tục rõ ràng nên việc ứng dụng các công nghệ số hoặc số hóa giấy tờ được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và dễ đưa vào triển khai, ứng dụng.

Không chỉ vậy, các đơn vị này cũng đã trang bị những giải pháp tốt về hạ tầng, an ninh, an toàn và bảo mật tốt, cán bộ nhân viên được trang bị tiêu chuẩn, đầy đủ nên việc trải nghiệm vận hành xuất sắc là điểm cộng trong quá trình chuyển đổi số của các Tổng công ty và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Bên cạnh đó, một số tập đoàn như EVN, VNPT,… cũng nhanh chóng đưa ra nhiều ứng dụng về trải nghiệm khách hàng xuất sắc, giúp cho khách hàng, người dân có nhiều tiện ích thuận lợi, nhanh chóng và đặc biệt đẩy mạnh quá trình thực hiện thao tác trực tuyến, thanh toán trực tuyến, kết hợp cùng các ngân hàng thương mại và các tổ chức trung gian để hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ giãn cách do đại dịch Covid.

Tổ chức và bộ máy quản lý, vận hành công nghệ, công nghệ thông tin là một lợi thế khác biệt của các Tổng công ty và doanh nghiệp có vốn Nhà nước so với các doanh nghiệp tư nhân. Hầu hết các đơn vị này đều có bộ máy công nghệ thông tin với trình độ nhân lực cao, hiểu biết cả về ngành, văn hóa cũng như công nghệ.

Không chỉ vậy, việc triển khai, nâng cấp và liên tục ứng dụng những công nghệ mới tại các Tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đã tạo một nền tảng vững chắc về bộ máy, tổ chức vận hành, đầu tư mới và kiểm soát quá trình hoạt động hiệu quả.

Những khó khăn cần khắc phục khi xây dựng lộ trình chuyển đổi số

Hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát là yếu tố đầu tiên trong sự khác biệt lớn giữa các Tổng công ty có vốn Nhà nước và các tập đoàn kinh tế tư nhân.

Trong bối cảnh khi Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và thực hiện vai trò đầu tàu nên yếu tố này đang hỗ trợ nhiều cho các Tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong việc rút ngắn khoảng cách về tốc độ chuyển đổi số với các đơn vị tư nhân. Tuy nhiên, quá trình này vẫn tồn tại nhiều điểm khó khăn trong việc xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh.

Với đặc điểm về sự chặt chẽ trong việc kiểm soát quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh “Agile” hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm (Ecosystem) trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.

Hầu hết những giải pháp, sáng kiến số hiện nay đang tập trung vào các giải pháp theo mô hình phân tích chi tiết ưu, nhược điểm, qua đó xây dựng thiết kế tổng thể và thiết kế chi tiết theo mô hình “thác nước – waterfall”. Yếu tố này phần nào giải thích được việc chuyển đổi số tại các Tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số nền tảng trải nghiệm khách hàng.

Kiến trúc doanh nghiệp và kiến trúc công nghệ thông tin theo định hướng mới là một định hướng mà các Tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước gặp khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số. Với quy mô rất lớn, mô hình phức hợp và định hướng phát triển thì việc xây dựng các mô hình kiến trúc cho phù hợp cũng như điều chỉnh hàng năm cần được thực hiện ngay từ giai đoạn bản lề trong thời gian đầu của việc ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Tuy vậy, việc xây dựng này cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành,… Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc chuyển đổi số không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế.

chuyển đổi số trong doanh nghiệp có vốn nhà nước
Ảnh minh hoạ

Xây dựng bộ đánh giá chỉ số và mức độ trưởng thành số phù hợp cho Tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước cũng là một yếu tố cần chú trọng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành bộ chỉ số đánh giá cho các Tổng công ty, Tập đoàn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Tuy nhiên, với từng Tổng công ty, Tập đoàn lớn thì việc ứng dụng cũng cần được triển khai theo những đặc thù riêng biệt của mình. Không chỉ vậy, việc xây dựng các bộ chỉ số cho các đơn vị thành viên và đánh giá điểm thi đua, mức độ trưởng thành chi tiết của từng đơn vị tương ứng với kiến trúc chung của tập đoàn, tổng công ty cũng là một yếu tố cần cân nhắc khi thực hiện.

Thay cho lời kết

Tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước mặc dù có nhiều lợi thế về quy mô, định hướng cũng như bộ máy tổ chức và vận hành công nghệ thông tin tiên tiến, nhưng với những thách thức trong quy định, quy chế, hành lang pháp lý và quy mô tổ chức cũng như những đặc thù riêng biệt trong sản xuất, kinh doanh, vận hành, quản trị dẫn đến việc xây dựng một lộ trình chuyển đổi số cần thực hiện theo một “lối đi riêng” phù hợp.

Việc kết hợp những liên minh giữa các Tổng công ty, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và các đơn vị tư vấn chiến lược, tư vấn Chuyển đổi số và khả năng xây dựng, ứng dụng triển khai công nghệ thông tin dài hạn sẽ hỗ trợ các đơn vị này xây dựng được một lộ trình chuyển đổi số phù hợp nhất, đem lại hiệu quả thực tế và sớm đạt được những kết quả theo định hướng của Chính phủ trong chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng tới năm 2030.

Nghiên cứu nổi bật
01. Đột phá tăng năng suất và kiến tạo hướng đi mới với mô hình nuôi trồng thủy sản 4.0 02. Ngành hàng không trước làn sóng chuyển đổi số 03. Ứng dụng công nghệ robot trong ngành sản xuất 04. Tương lai không xa của đô thị Việt Nam
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận