Chuyển đổi số tác động đến quản trị tài chính như thế nào?
Digital Strategy

Chuyển đổi số tác động đến quản trị tài chính như thế nào?

Tài chính doanh nghiệp đang có sự chuyển đổi nhanh chóng từ vai trò quản trị sang vai trò tư vấn, giúp định hướng chiến lược của tổ chức. Chuyển đổi số và định hướng dữ liệu sẽ giúp nâng cao hơn nữa vai trò và tiềm năng của tài chính doanh nghiệp trong hoạch định và triển khai các kế hoạch dài hạn thành công.

Vai trò của tài chính kế toán trong tương lai

Trong tương lai, phần lớn các công việc tài chính kế toán sẽ được tự động hóa , dẫn đến các quy trình hiệu quả hơn và tổ chức bộ máy tinh gọn hơn. Thông qua số hóa dữ liệu và số hóa quy trình, việc tổng hợp các báo cáo tài chính, báo cáo quản trị sẽ nhanh hơn, tránh sai sót và giảm thời gian đối chiếu số liệu giữa các phòng ban nghiệp vụ. Các báo cáo được lập trên cơ sở kết hợp các dữ liệu hoạt động và dữ liệu tài chính, sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu (Data Analytics) và AI để hỗ trợ việc ra quyết định kinh doanh chính xác hơn. Bộ phận tài chính không chỉ thực hiện chức năng tổng hợp dữ liệu để hỗ trợ các bộ phận kinh doanh mà còn chuyển dịch sang vai trò như một cố vấn tài chính, tham gia chủ động vào các chiến lược kinh doanh nhờ vào hỗ trợ của dữ liệu lớn và các công cụ phân tích.

Sự chuyển dịch về vai trò của tài chính doanh nghiệp(1)

Lợi ích của chuyển đổi số trong công tác quản trị tài chính kế toán

Tự động hóa quy trình tài chính kế toán

Trong những năm tới, ERP trên điện toán đám mây (cloud-based ERP) sẽ tiếp tục phát triển, giúp đơn giản hóa các quy trình và giải phóng lao động ở những khâu thủ công, lặp đi lặp lại. Nhân viên kế toán tài chính sẽ được hỗ trở bởi công nghệ như Big Data, Data Analysis, RPA,… Các quy trình tài chính kế toán truyền thống bao gồm việc hạch toán kế toán, tổng hợp dữ liệu và các “silo” xung quanh chúng ví dụ như thu thập, kiểm tra chứng từ, đối chiếu dữ liệu phi tập trung từ các phòng ban,… sẽ giảm đáng kể, dự báo có thể lên đến 90%. Khi các công việc thủ công đã được thay thế, cần những nhân sự có thể xây dựng và kết nối các hệ thống. Tài chính kế toán sẽ chuyển trọng tâm vào việc thiết kế, vận hành, bảo trì hệ thống và các công việc có giá trị cao hơn, đòi hỏi có sự hợp tác chéo giữa các nhóm kinh doanh, công nghệ và bộ phận tài chính.

Nâng cấp vai trò và thay đổi tính chất công việc của tài chính kế toán

Chuyển đổi số có khả năng làm thay đổi tính chất công việc của bộ phận tài chính kế toán. Trước đây, tài chính kế toán thường sử dụng các dữ liệu lịch sử (backward-looking) do đó bị động (re-active) trong việc đóng góp các giá trị mới trong tương lai. Công việc chính của tài chính kế toán là phân tích những việc đã xảy ra để làm cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của thực tế so với kế hoạch. Tính chất công việc của bộ phận tài chính như người tổng hợp dữ liệu, quản lý chi phí và hỗ trợ các phòng ban kinh doanh. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển của khoa học và công nghệ thông tin, thị trường biến đổi rất nhanh đòi hỏi các tổ chức doanh nghiệp phải ứng biến kịp thời và đặc biệt chú trọng vào công tác dự báo chính xác. Việc số hóa dữ liệu, tự động quy trình (RPA) sẽ giúp thông tin được cung cấp nhanh chóng, minh bạch hơn. Trong khi đó, các dự báo sẽ được xử lý bởi các thuật toán được đánh giá liên tục. Từ đó, nhà quản trị có thể thực hiện các dự báo, mô phỏng kết quả dựa trên các dữ liệu đầu vào của thị trường. Tính chính xác và hiệu quả của thuật toán sẽ ngày càng được cải thiện nhờ công nghệ AI, Machine Learning và độ lớn của các biến số đầu vào.

Nâng cao hiệu quả tuân thủ và bảo mật thông tin

Trong quy trình tài chính kế toán, đặc biệt là các quy trình kiểm soát được thực hiện ở hầu hết các bước trong quy trình sản xuất kinh doanh. Do đó yêu cầu tính hiệu quả trong việc tương tác, trao đổi thông tin giữa các phòng ban trong tổ chức. Việc tự động hóa các giao dịch và tự động hóa quy trình hướng tới kiểm soát trước các hoạt động, giảm rủi ro sai sót do không tuân thủ quy trình hoặc sai sót do quy trình thực hiện thủ công. Ví dụ trong việc kiểm soát ngân sách, các quy trình tự động được thiết kế để kiểm soát trước khi hoạt động được thực hiện. Tức là, các bộ phận có thể nhìn số liệu khoản mục ngân sách theo thời gian thực và không thể thực hiện các hoạt động trước khi ngân sách mới được bổ sung. Từ đó, giúp tổ chức giảm rủi ro làm tăng chi phí khi chi trước, kiểm soát sau. Ngoài ra, dữ liệu của các bộ phận được thu thập, lưu trữ trên một hệ thống tập trung sẽ tăng tính bảo mật và giảm rủi ro trong việc thất thoát dữ liệu ra bên ngoài.

Cung cấp dữ liệu theo thời gian thực

Trong tương lai, công nghệ giúp cung cấp số liệu theo “thời gian thực”. Điều này giúp cho các bên liên quan tiếp cận thông tin nhanh chóng kèm theo các phân tích, thống kê từ đó hiểu biết tốt hơn về các hoạt động đang diễn ra. Ví dụ việc theo dõi liên tục doanh số bán hàng, dòng tiền, hàng tồn kho hoặc các chỉ tiêu định mức trong sản xuất sẽ giúp nhà quản lý đưa ra được các quyết định kịp thời nhằm cải thiện sản xuất kinh doanh.

Tóm lại, trong tương lai không xa các doanh nghiệp sẽ ứng dụng một hệ thống tài chính kế toán cung cấp dữ liệu trực tuyến, không có độ trễ và được tích hợp trên một nền tảng duy nhất. Dữ liệu tài chính được phân quyền cho các bên liên quan truy cập, xử lý dễ dàng thay vì chờ đợi tổng hợp thông tin từ bộ phận tài chính. Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tăng tính hiệu quả và tận dụng dữ liệu tốt hơn, biến các báo cáo tài chính kế toán trở thành công cụ tin cậy để hoạch định chiến lược và triển khai thành công.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Everest Group. 2017. The Next-Gen F&A Model | Market Insights™

Nghiên cứu nổi bật
01. Sản xuất tinh gọn số – Ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất tinh gọn truyền thống 02. Ứng Dụng Trí Tuệ Nhân Tạo Trong Bảo Mật Thông Tin Tài Chính 03. Ứng dụng nền tảng số giúp cuộc sống người dân thuận tiện hơn 04. AI, Tương lai của ngành sản xuất
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận